(tên tiếng Trung: 試論程 – 朱易學在東亞經學中結合的趨向)
(tên tiếng Anh: Examining Tendencies of Combining Chengyi (程頤)’s and Zhuxi (朱熹)’s Zhouyi-Studies (易學) in East Asian Classical Studies (東亞經學) )
Nguyễn Phúc Anh (*)
TÓM TẮT
Người ta thường coi Trình Di 程頤 và Chu Hi 朱熹 là những người thuộc cùng dòng phái gọi chung là Lí học 理學 vì họ chia sẻ với nhau một số quan điểm rất cơ bản về vai trò của Lí trong việc tạo tác vũ trụ và con người. Đó là về đại thể. Song thực tế, không phải lúc nào Trình – Chu cũng là một khối quan niệm thống nhất; người ta vẫn thấy tồn tại rất nhiều khác biệt giữa họ. Những khác biệt này thể hiện rõ nhất trong lí giải của họ về Chu Dịch 周易. Nhà nho, những người mang trong mình tâm cảm “đại đạo nhất quán”, thường không thể chấp nhận rằng ngay cả thánh nhân cũng mâu thuẫn, vì thế mà kinh học Đông Á (Trung Quốc, Việt Nam, Hàn Quốc, Nhật Bản) có một xu hướng tìm cách dung hòa hai đường hướng kinh học của Trình Di và Chu Hi trong lí giải Chu Dịch.
Bài viết của chúng tôi bên cạnh nội dung phân tích một yếu tố trong lịch sử kinh học Đông Á còn có tham vọng trong việc đưa ra một số ý tưởng và cách nhìn nhận mới về vai trò của một số tác phẩm cụ thể vẫn đang bị băn khoăn về giá trị trong kinh học Đông Á như: Chu Dịch truyện nghĩa đại toàn 周易傳義大全, Dịch kinh tiết yếu 易經節要, Dịch kinh tiết yếu diễn nghĩa 易經節要演義,… Chúng tôi quan niệm rằng, khi bình xét một hiện tượng tư tưởng, kinh học nào đó xảy ra ở bất kì nước nào như Việt Nam, Trung Quốc, Hàn Quốc hay Nhật Bản cũng nên đặt hiện tượng đó trong môi trường tư tưởng và kinh học rộng lớn hơn của khu vực Đông Á để tránh những ngộ nhận, hiểu lầm mà nhãn giới cục bộ đem lại.
摘要
大體而言,人們常根據程朱所肯定“理”範疇對宇宙和人類的形成的角色的一些基本共同點,而認爲他們都屬於理學派的代表者。但,實際上,程朱之間的思想並不是完全一致。他們之間仍存在著許多差異。最明顯的差異為他們對《周易》的不同理解。在“大道一貫”觀念支配之下,儒者不能承認聖人之間在思想上的矛盾,因此東亞經學 (中國、越南、韓國、日本)發生了一個把程朱對《周易》的不同理解融合起來的趨向。
除了論述東亞經學的歷史之外,本文也希望能為《周易傳義大全》、《易經節要》、《易經節要演義》等著提出一些研究的構想,並且對它們在東亞經學的地位與價值提出了一些新的見解。我們認爲,爲了避免個人對某一思想現象的誤解與主觀的見解,在對越南、中國、日本、韓國的某一股思想或經學思潮作評價時,一定要把它們放在東亞學術背景中來看待。
ABTRACT
Zhengyi and Zhuxi are often considered to be exponents of Lixue (The Learning of The Principle) because they share their primary views of li (The Principle) position in creating the world and mankind to each other. Actually, it has a lot of differences between Zhengyi and Zhuxi, especially in their explanations of Zhouyi (The Book of Change). Confucians, who absolutely believe in the unity of Dadao大道 (The Great Way), don’t want to accept any contradiction between sages in general, so they always try to harmonize these views of Zhouyi. These confucians have created a new popular trend in East Asian (China, Vietnam, Korea, Japan) classical studies.
One important focus area of our essay is the analysis of a trend in the history of East Asian classical studies. Another is our opinions of disputed books: Zhouyi Zhuanyi Daquan 周易傳義大全, Yijing Jieyao 易經節要, Yijing Jieyao Yanyi 易經節要演義, etc. It is acknowledged that the reseach on any phenomenon of classical studies, which originated in any East Asian countries, should be estimated in the impact of broader space of East Asian classical studies. It is necessary to avoid mistakes in our judgement.
- SỰ KHÔNG THỐNG NHẤT CỦA TRÌNH CHU TRONG LÍ GIẢI CHU DỊCH
Người ta thường coi Trình Di 程頤 và Chu Hi 朱熹 là những người thuộc cùng dòng phái, gọi chung là Lí học 理學 vì họ chia sẻ với nhau một số quan điểm cơ bản về vai trò của Lí 理 trong việc tạo tác vũ trụ và con người. Đó là về đại thể. Song thực tế, không phải lúc nào Trình – Chu cũng là một khối quan niệm thống nhất. Người ta dễ dàng nhận thấy, vẫn tồn tại rất nhiều khác biệt giữa họ trong việc lí giải một số vấn đề kinh học quan trọng. Những khác biệt này thể hiện rõ nhất trong lí giải của họ về Chu Dịch.
Theo Kỉ Vân 紀昀: Dịch học chia làm “lưỡng phái lục tông” 兩派六宗[1]. Với cách phân chia đó, Chu Hi được coi là nhà tư tưởng thuộc phái Tượng số, Trình Di là nhà tư tưởng thuộc phái Nghĩa lí. Quan điểm của Kỉ Vân có tính tổng kết, tiêu biểu cho nhận thức chung của giới Dịch học từ xưa đến nay[2]. Đã có một số nhà nghiên cứu chỉ ra những khác biệt giữa Chu Hi và Trình Di trong lí giải về Chu Dịch: Từ Đại Nguyên 徐大源[3], Sái Phương Lộc 蔡方鹿[4],… Bài viết của Từ Đại Nguyên đã hệ thống hóa sự khác biệt Trình – Chu trong lí giải Chu Dịch như sau:
STT |
Vấn đề |
Quan điểm của Trình Di |
Quan điểm của Chu Hi |
1 |
Bản chất của Chu Dịch |
Chu Dịch là “sách để làm sáng tỏ Đạo” 明道之书, nhằm mục đích “hiểu đến cùng lí và tính” 穷理尽性之书, đồng thời thừa nhận Chu Dịch có mang những yếu tố đồ thư, tượng số. | “Chu Dịch đã qua sự sửa đổi, phát triển của bốn thánh nhân” 易更四圣[5] và “Chu Dịch vốn là sách bói toán” 易是卜筮之书. |
2 |
Phương pháp tiếp cận, giải mã văn bản. |
Luận về lí, tượng và số. “Thể dụng nhất nguyên, hiển vi vô gián” 体用一源,显微无间[6]. | “Chu Dịch là một thứ không tính” 空底物事, “nghiền ngẫm thực lí để ứng phó với những điều sẽ xảy ra” 稽实待虚. |
3 |
Các nguyên tắc trong bàn luận về Chu Dịch |
Ít bàn tượng số, chuyên bàn về nghĩa lí 罕谈象数, 主用义理 | Thích bàn luận về Đồ Thư, chú trọng quái, hào và tượng 好论图书, 注重卦爻象. |
Trong đó, mấu chốt dẫn đến khác biệt giữa Trình Di và Chu Hi là ở những lí giải về bản chất của Chu Dịch. Chu Hi lí giải về bản chất của Chu Dịch “Dịch vốn được tạo ra để phục vụ nhu cầu bói toán. Người xưa thuần phác, ban đầu không có văn nghĩa cho nên họ vẽ ra những quẻ những hào để giúp người ta thông hiểu được thiên lí ẩn trong mỗi sự vật, từ đó có thể làm tốt mọi việc” 易本為卜筮而作。古人淳質,初無文義,故畫卦爻以開物成務[7]. Chu Hi cảm thấy sự bất ổn trong hệ thống lí giải Chu Dịch của Trình Di, ông lập luận, tuy chưa thật sự chặt chẽ rằng: “Những học giả đời nay tránh nói đến việc Dịch vốn được tạo ra để phục vụ công việc bói toán mà họ hay nói Dịch được tạo ra để chuyển tải nghĩa lí, nếu như thực sự được tạo ra để chuyển tải nghĩa lí, vì sao không trình bày luôn bằng văn tự như những sách Trung Dung, Đại học, trực tiếp bàn về nghĩa lí để khiến cho người ta hiểu? Cần gì phải vẽ ra bát quái làm gì?” 今學者諱言《易》本為占筮作,須要說做為義理作。若果為義理作時,何不直述一件文宇,如《中庸》《大學〉之書,言義理以曉人?須得畫八卦則甚”? [8]. Nhiều nơi khác trong Chu tử ngữ loại còn ghi chép ngôn luận của Chu Hi về Dịch học Trình tử. Có thể xem bài viết của Lương Vi Huyền 梁韦弦 để có một cái nhìn tổng quan về vấn đề này[9].
Trong Dịch học cổ điển, sự tồn tại của nhận thức về những khác biệt trong quan điểm lí giải của Trình Di và Chu Hi đối với Chu Dịch là không thể phủ nhận. Nhà nho, những người mang trong mình tâm cảm “đại đạo nhất quán”, thường không thể chấp nhận rằng ngay cả thánh nhân cũng mâu thuẫn, vì thế mà kinh học Đông Á có một xu hướng tìm cách dung hòa hai đường hướng kinh học của Trình Di và Chu Hi trong lí giải Chu Dịch. Ngay cả khi những chú giải của nhà nho vượt qua khỏi mức độ tìm cách dung hòa đường hướng kinh học Trình – Chu mà gần như đã bước sang phạm vi của việc sáng lập tân thuyết thì bản thân việc đó cũng là vì sự thống nhất của Đại đạo, nhà chú giải khi ấy cũng chỉ nhận mình đang “thuật” 述 lại ý chí của thánh hiền. Tâm thái của Đổng Chân Khanh 董真卿 thể hiện trong Chu Dịch hội thông 周易会通: “Thiên hạ vạn thế sư tôn chi vô dị từ hĩ” 天下萬世師尊之無異辭矣 (Những bậc thầy vĩ đại muôn đời trong thiên hạ luôn nhất quán về mặt quan điểm)[10] là tâm thái chung của nhiều nhà nho, đặc biệt là những người xếp Trình – Chu thuộc về cùng một học phái. Họ nhất định sẽ tìm một cách thức nào đó để biện hộ, dung hòa những khác biệt trong quan điểm của hai bậc thầy Lí học. Điều đó, một mặt, thể hiện xu hướng tìm kiếm sự thống nhất trong nội bộ các nhà Lí học đối với việc lí giải Chu Dịch, các nhà Lí học rất khó chấp nhận Chu Hi mâu thuẫn với Trình Di trên bất kì phương diện nào. Mặt khác, đó là sự tìm kiếm dung hòa giữa hai dòng mạch lớn của Dịch học: Nghĩa lí học và Tượng số học.
- CÁC GIẢI PHÁP KẾT HỢP DỊCH HỌC TRÌNH – CHU TRONG KINH HỌC ĐÔNG Á.
Tiền đề của mọi giải pháp kết hợp Trình tử và Chu tử trong việc lí giải Chu Dịch dựa trên một điểm thống nhất chung giữa hai nhà tư tưởng. Cả hai người đều thừa nhận Chu Dịch vừa bao hàm trong nó yếu tố tượng số vừa bao hàm những yếu tố thuộc về nghĩa lí. Trình Di viết trong “Y Xuyên Dịch truyện tự” 伊川易傳序 rằng: “Chí vi giả lí dã, chí trứ giả tượng dã, thể dụng nhất nguyên, hiển vi vô gián” 至微者,理也。至著者,象也。體用一源,顯微無間[11] (Thứ cực kì vi diệu đó là lí, thứ rất hiển lộ đó là tượng, thể và dụng đó là cùng một nguồn, không có sự phân tách giữa những thứ vi diệu (lí) và thứ hiển lộ (tượng) đó). Còn Chu Hi ngay trong thuyết “Dịch canh tứ thánh” 易更四圣 đã thể hiện quan điểm của ông về việc tượng số và nghĩa lí cùng tồn tại trong Chu Dịch. Ông cho rằng Phục Hi, Văn Vương, Chu Công là những người phát huy bản nghĩa của Chu Dịch, đưa ra và làm rõ ý nghĩa của các quái hào; còn Khổng tử là người đã phát huy nghĩa lí ẩn sâu trong những quái hào đó. Sự khác biệt đó là do Trình Di riêng nhấn mạnh vào phương diện nghĩa lí còn Chu Hi thì nhấn mạnh vào phương diện tượng số của Chu Dịch. Nói một cách khác, không có sự khác biệt tuyệt đối giữa Trình – Chu trong việc nhìn nhận bản chất của Chu Dịch. Việc nhấn mạnh khía cạnh nào trong hai khía cạnh nghĩa lí và tượng số sẽ quyết định chiều hướng triển khai những bàn luận về Chu Dịch của họ.
Trên thực tế việc kết hợp Trình tử và Chu tử đã diễn ra như thế nào trong phạm vi Nho học Đông Á, chúng tôi xin đưa ra những mô tả về một số xu hướng tiêu biểu nhất xung quanh hiện tượng kinh học thú vị này.
2.1. Kết hợp Trình – Chu để làm nổi bật Dịch học Trình Di.
Những ý tưởng về sự kết hợp Trình – Chu dựa trên nền tảng căn bản là Dịch học Trình Di để rồi sau đó kết tập quan điểm của Chu Hi được khởi phát thực sự từ đời Tống với vai trò của Đổng Khải 董楷 (1226 – ?) và Chu Dịch truyện nghĩa phụ lục 周易傳義附録 (hay còn gọi Chu Dịch Trình Chu tiên sinh truyện nghĩa phụ lục 周易程朱先生傳義附録). Tác phẩm này căn cứ chủ yếu trên những luận điểm của Dịch học Trình – Chu. Với Đổng Khải “chỉ có Trình tử và Chu tử là những người có công nhất đối với Dịch đạo. Những học giả khác nếu không đi vào những thứ nhỏ nhặt tiểu tiết thì cũng đi vào quái đản hoang đường. Không ai có được cống hiến lớn lao đáng kể cho Dịch đạo cả” 其有功於易道者,則惟程子朱子之書而已矣。其他,不失於支離破碎,則失於誕謾怪僻,皆非卓然有見於斯道者也[12].
Về mặt văn bản thì Chu Dịch truyện nghĩa phụ lục sử dụng văn bản của Trình truyện, song ở những chỗ văn bản của Trình truyện không có như “Hệ từ thượng”, “Hệ từ hạ” thì Đổng Khải bắt buộc phải sử dụng văn bản của Chu Hi trong Chu Dịch bản nghĩa để chép thêm vào. Nhìn chung, trật tự văn bản vẫn tuân thủ theo nguyên tắc lấy Trình truyện làm căn bản và văn bản của Chu Hi chỉ có tính chất bổ khuyết mà thôi. Người ta có thể hiểu được vì sao Đổng Khải băn khoăn khi lựa chọn trật tự cho văn bản tác phẩm của ông: “Dịch truyện của Trình tử dựa trên thứ tự văn bản của Vương Bật đưa ra, còn Chu tử thì lại sử dụng thứ tự của cổ Dịch xếp “Thoán truyện”, “Đại tiểu tượng”, “Văn ngôn” thành quyển riêng, nay tôi không dám tách rời Trình truyện song lại không thể không đếm xỉa đến quan điểm của Chu tử được” 程子《易傳》依王弼次序,而朱子則用古易次序以彖傳,大小象,文言各自為卷。今不敢離析程《傳》,又不敢盡失朱夫子之意[13].
Lấy căn bản từ Trình truyện, song không thể gạt bỏ những thành tố hợp lí trong lí giải Chu Dịch của Chu Hi, Đổng Khải chủ trương đề cao Chu Dịch bản nghĩa của Chu Hi như một sự bổ sung[14] cho những điều mà bản thân Trình tử chưa hoàn thiện. Ông ngợi ca Chu Hi, khen “ngôn từ của Chu Dịch bản nghĩa ngắn gọn mà nghiêm cẩn, hiểu được sâu sắc bản ý của những bậc thánh hiền đời cổ khi họ sử dụng bốc phệ để giáo hóa mọi người, song Chu tử lại không sa vào cực đoan thuật số mạt hạng như các nhà Nho khác” 朱子本義,辭蓋簡嚴,深探古聖賢人卜筮教人之本意,而不墮於諸儒術數之末流[15]. Ở một mức độ khác, ông gần như đồng nhất Dịch học của Chu Hi với Dịch học của Trình Di: “Tất cả những thuyết của Chu tử đưa ra đều là để làm rõ thuyết của Trình tử, có chỗ là để làm cho đầy đủ những nơi mà Trình tử chưa đầy đủ, bổ sung những chỗ chưa thực sự viên mãn, làm sáng tỏ những chỗ còn chưa được làm sáng tỏ, hoặc để nhất quán những chỗ chưa nhất quán, kì thực tất cả đều không xa rời thuyết của Trình tử […] Phàm là sách của Chu tử, vốn là để bổ sung những điều mà Trình tử chưa thấu đáo, còn những danh ngôn của Trình tử, cũng có những điều mà Chu tử không thể chen thêm vào được chút nào, như vậy thì liệu còn có thể nói Dịch truyện của Trình tử và Bản nghĩa của Chu tử là hai quyển sách khác nhau được hay chăng?” 凡文公之說,皆所以發明程子之說,或足其所未盡,或補其所未圎,或白其所未瑩,或貫其所未一,其實不離乎程說之中[…]夫朱子之書,固以補程子之所未及,而程子之名言,葢有朱子不能加毫末於其間者,謂二書爲不同,可乎?[16].
Sau Đồng Khải, vào đời Nguyên, Triệu Thái 趙采 với Chu Dịch Trình Chu truyện nghĩa chiết trung 周易程朱傳義折衷 cũng có một xu hướng và cách thức triển khai tương tự. Tôn trọng văn bản Chu Dịch của Trình Di sử dụng, Triệu Thái không đưa ra những chú giải và bàn luận cho “Hệ từ thượng”, “Hệ từ hạ” mà chỉ tập trung chú giải cho phần thượng hạ kinh của Chu Dịch (theo giới định văn bản của Vương Bật – Trình Di). Tứ khố toàn thư tổng mục đề yếu cho rằng Triệu Thái (và cả Đổng Khải) là những người mở đầu cho khuynh hướng kết hợp Chu Dịch theo cách thức dựa trên Trình truyện, phân tách các thành tố của Chu Dịch bản nghĩa là để phụ thêm vào sau và bổ sung cho Trình truyện[17].
Triệu Thái (và cả Đổng Khải) nhấn mạnh vào sự cần thiết phải có sự cân bằng giữa nghĩa lí và tượng số. Triệu Thái ý thức rất rõ trong bài tựa rằng qua tay ba thánh nhân (ông đặc biệt đề cập kĩ càng đến vai trò của ba thánh nhân là Văn Vương, Chu Công và Khổng tử) thì Chu Dịch đã đầy đủ cả tượng số và nghĩa lí, song khi Khổng tử mất thì các nhà tư tưởng phân tán trong quan điểm nhìn nhận các vấn đề của Chu Dịch. Điều này dẫn đến việc “những người quá thiên về tượng số thì sẽ đi vào con đường quỷ quái. Còn những người quá thiên về nghĩa lí thì sẽ sa vào con đường không đàm vô vị” 泥象數者流於詭怪,說義理者淪於空寂[18]. Điều này là đề ra yêu cầu cần phải có một cái nhìn và một quan điểm chiết trung. Giải pháp trong nhìn nhận Chu Dịch của Triệu Thái là dựa trên sự kết hợp của ba người Thiệu Khang Tiết 邵康節, Trình Di và Chu Hi để đưa ra một nhìn nhận toàn vẹn về Chu Dịch. Trong đó, Thiệu Khang Tiết đóng vai trò là người làm rõ các yếu tố quái tượng trong những vạch quẻ của Phục Hi, khai mở những giá trị về phương diện tượng số của Chu Dịch. Trình tử là người làm rõ nghĩa lí Chu Dịch thông qua việc diễn giải, phát triển những ý tưởng của Khổng tử. Chu Hi là người đã quy hồi cựu tác, cho Chu Dịch diện mạo như nó vốn có[19]. Trong sự kết hợp này, cố nhiên, Trình Di vẫn đóng vai trò nền tảng, còn Thiệu Khang Tiết và Chu Hi là những người đóng vai trò khiêm tốn hơn.
Đến đời Minh, Chu Dịch truyện nghĩa đại toàn 周易傳義大全 được coi là một trong những tác phẩm tiêu biểu nhất tiếp nối xu hướng lấy Trình truyện làm bản vị cho việc kết hợp Dịch học Trình – Chu mà Đổng Khải và Triệu Thái là những người tiên phong ở các giai đoạn trước. Người ta trước nay vẫn nghĩ rằng Chu Dịch truyện nghĩa đại toàn nói riêng và hệ thống đại toàn nói chung bao gồm những tác phẩm tập hợp học thuyết của các nhà một cách không định hướng, thuần túy thu gom cơ giới, ít giá trị kinh học, ít ảnh hưởng và là sản phẩm của một quá trình biên soạn vội vàng cẩu thả của một nhóm quan lại đời Minh đứng đầu là Hồ Quảng 胡廣. Điều này thực sự không chuẩn xác. Có nhiều nhà nghiên cứu cho rằng sự ra đời của Chu Dịch truyện nghĩa đại toàn là một bước nối, một sự điều hòa quan điểm của Trình Di (đại diện phái nghĩa lí) và Chu Hi (đại diện phái tượng số), dù đôi khi đó là một sự điều hòa mong manh, và vì thế Chu Dịch truyện nghĩa đại toàn là tác phẩm có ý nghĩa trên bình diện kinh học. Những người theo quan điểm này là: Kim Chu Xương 金周昌[20] và Tze-Ki Hon[21]. Theo khảo sát của chúng tôi, quyển sách này quả thực đã tập hợp được các thành tựu trong nghiên cứu Dịch học trước đó, đặc biệt là thành tựu Dịch học của những người đi theo xu hướng kết hợp trường phái Trình – Chu như Đổng Khải, Đổng Chân Khanh 董真卿,…. Xem “Phàm lệ” 凡例 của sách, còn có thể thấy cách thức kết tập của nhóm Hồ Quảng rất có nguyên tắc, dựa trên sự hiểu biết sở trường, sở đoản của từng nhà chú giải tiền bối. Việc Chu Dịch truyện nghĩa đại toàn bị phê phán vì ở nhiều chỗ, khi dẫn dụng các thuyết, nhóm Hồ Quảng không đề rõ tên họ người lập thuyết, là điều hoàn toàn có thể hiểu được. Trong một môi trường không có khái niệm về bản quyền và quyền tác giả thì tri thức là của chung. Nhà chú giải có thể chỉ dựa trên những cách làm trước đó của tiên hiền và trí nhớ kinh điển để tiến hành hoạt động chú giải. Trong trường hợp này, cách làm không đề rõ tên họ người lập thuyết có thể là học theo cách làm của Chu Hi trong Thi tập truyện 詩集傳[22].
Về mặt văn bản, Chu Dịch truyện nghĩa đại toàn vẫn lấy Trình truyện làm căn bản. Trong phần “Phàm lệ” có viết rằng: “Song Trình truyện và Bản nghĩa đã trở nên phổ biến như nhau, việc xác định văn bản của các nhà cũng khác nhau, vì vậy chúng tôi sử dụng bản đời Nguyên của Trình truyện, còn Bản nghĩa cũng sẽ được sử dụng kèm theo đó” 然程《傳》,《本義》既已竝行,而諸家定本又各不同,故今定從程《傳》元本,而《本義》仍以類從[23]. Ở những vị trí mà Trình truyện không làm chú giải như trong “Hệ từ thượng” và “Hệ từ hạ” thì hoàn toàn dựa theo văn bản của Chu Hi.
Về mặt nguyên tắc biên soạn, tác giả của Chu Dịch truyện nghĩa đại toàn cố gắng tìm kiếm một sự cân bằng, điều hòa quan điểm giữa hai nhà chú giải Trình Di và Chu Hi. Theo Tze-Ki Hon đó là quá trình tìm kiếm sự cân bằng giữa triết học đạo đức (Trình Di) và chiêm bốc (Chu Hi). Cũng theo Tze-Ki Hon, phần mở đầu cho Chu Dịch truyện nghĩa đại toàn được bắt đầu bằng ba tác phẩm của Trình Di: “Dịch tự” 易序, “Dịch truyện tự” 易傳序, “Thượng hạ thiên nghĩa” 上下篇義 và ba tác phẩm của Chu Hi: “Chu tử đồ thuyết” 朱子圖說, “Ngũ tán” 五贊, “Phệ nghi” 筮儀. Cuối cùng phần mở đầu được kết thúc bằng một tập hợp những dẫn dụng ngôn luận của hai nhà chú giải được thể hiện trong “Dịch thuyết cương lĩnh” 易說綱領. Chính “Dịch thuyết cương lĩnh” đóng vai trò quan trọng trong việc điều hòa những khác biệt giữa hai nhà chú giải, là nơi để những người biên soạn thể hiện quan điểm của mình về sự cân bằng, nhất quán giữa Trình Di và Chu Hi trong lí giải về Chu Dịch[24].
Trong thực tế triển khai nội dung chính của tác phẩm, với tư cách là một quyển sách được biên soạn phục vụ cho mục đích thi cử, mang tính quan phương nên những luận điểm của Trình Di, tư tưởng đạo đức, nghĩa lí học vẫn được nhấn mạnh và tập trung trình bày hơn quan điểm tượng số của Chu Hi. Các nhà Nho như Cố Viêm Võ 顧炎武 (1613-1682) vẫn tiếp nhận Chu Dịch truyện nghĩa đại toàn như một quyển sách lấy tư tưởng Trình Di làm bản vị để rồi từ đó mới kết hợp lồng ghép các thành tố của Dịch học Chu tử[25].
2.2. Kết hợp Trình – Chu để làm nổi bật Dịch học Chu Hi.
Tiêu biểu cho khuynh hướng lấy chú giải Chu Hi làm căn bản, sử dụng truyện chú của Trình Di như một tư liệu có tính chất hỗ trợ là Đổng Chân Khanh 董真卿 đời Nguyên với Chu Dịch hội thông 周易會通 gồm 14 quyển. Ban đầu bộ sách này có tên là Chu Dịch kinh truyện tập Trình Chu giải phụ lục toản chú 周易經傳集程朱解附錄纂注. “Trình Chu giải” là chỉ Trình truyện và Bản nghĩa. “Phụ lục” là để chỉ những chú giải chủ yếu trích ra từ Chu tử ngữ loại và những bàn luận về Dịch (ngoài Trình truyện) được Trình Di viết để bổ sung những chỗ Trình truyện còn thiếu sót. “Toản chú” là để chỉ những toản sớ của hiền nhân đời sau, được đặt vào sau ngữ lục của Chu tử, trong đó nổi bật là những chú giải của Hồ Nhất Quế 胡一桂 (1247 – ?), thầy của Đổng Chân Khanh. Đổng Chân Khanh đã bắt đầu sử dụng hệ thống văn bản của Chu Hi với đầy đủ “Thập dực” (gồm cả “Hệ từ thượng”, “Hệ từ hạ”) và phần âm huấn của Lã Đông Lai 吕東萊 để triển khai các chú giải.
Những phần văn bản Chu Dịch mà Trình Di không làm truyện chú (bao gồm “Hệ từ thượng”, “Hệ từ hạ”) thì Đổng Chân Khanh sử dụng kinh thuyết để bổ sung. Việc sử dụng Chu tử ngữ lục 朱子語錄 kết hợp với Dịch học khải mông 易學啟蒙 (khoảng 46 lần) cho thấy Đổng Chân Khanh đã có ý thức cao độ trong việc tiếp nhận Dịch học Chu tử khi đã chú ý kết tập thành tựu Dịch học trọn đời của Chu tử chứ không chỉ chuyên chú vào Chu Dịch bản nghĩa như nhiều nhà chú giải trước và sau ông vẫn hay làm. Đó có thể là lí do mà Tze-Ki Hon cho rằng: “Ngược lại với Đổng Khải, những học giả đời Nguyên như Hồ Nhất Quế, Đổng Chân Khanh, Hồ Bính Văn 胡炳文 tiếp nhận Chu Dịch bản nghĩa của Chu Hi và chèn những chú giải của Trình Di vào với tư cách như những tư liệu phụ trợ”[26].
Về sau, có rất nhiều nhà chú giải dựa trên nền tảng Dịch học Chu tử để phát triển học thuyết của mình, song vấn đề Kết hợp Dịch học Trình – Chu một cách toàn diện và có hệ thống ít được chú ý tới.
2.3. Kết hợp Trình – Chu để làm sáng tạo tân thuyết hay để làm rõ những điều mà ngay cả Trình – Chu vẫn chưa làm rõ được.
Chu Dịch tập thuyết 周易集說 của Du Diễm 俞琰[27] là một trong những tác phẩm khởi đầu cho xu hướng này. Du Diễm là thừa nhận vai trò của Phục Hi, Văn Vương và Khổng tử trong việc định lập văn bản hoàn thiện của Chu Dịch tức là thừa nhận một phần của thuyết “Dịch canh tứ thánh”, thừa nhận “Thập dực” (bao gồm cả “Hệ từ thượng”, “Hệ từ hạ”) là do Khổng tử viết và coi “Thập dực” là một thành tố của Chu Dịch. Du Diễm trong bài tựa bày tỏ thiện cảm của mình với Hán học. Ông đả kích Dịch học Vương Bật 王弼, Hàn Khang Bá 韓康伯. Ông cho rằng Dịch học Khổng Dĩnh Đạt 孔穎達 và Vương Hàn 王韓 có nhiều điều khả thủ hơn so với giải thuyết Dịch học theo đường hướng Lão Trang của Vương Bật. Du Diễm nhấn mạnh rằng phải đến đời Tống, với sự xuất hiện của hai dòng phái Liêm 濂, Lạc 洛, Dịch học mới trở về với con đường chân chính. Ông đề cao Tống học. Ông đánh giá Trình Di và Thiệu Khang Tiết là những đại diện tiêu biểu cho hai thành tố không thể thiếu của Dịch học, đánh giá Chu tử như là người đã kết hợp được trong bản thân thế mạnh của cả Dịch học Trình Di và Thiệu Khang Tiết. Những điểm mà cả Trình Di và Chu tử vẫn chưa làm rõ được thì Du Diễm sử dụng phương pháp khảo cứu thuyết của các nhà, lựa chọn trong đó những điều hay, điều tốt để đưa vào bổ sung và làm rõ những điều còn nghi vấn. Vì vậy mà Chu Dịch tập thuyết ra đời[28]. Chu Dịch tập thuyết không chỉ là một bộ sách chọn lọc các thuyết có liên quan đến từng thành tố một của Chu Dịch mà thực ra ngầm dưới hình thức “tập thuyết”, tác giả hướng đến việc kết tập thành tựu Dịch học của trường phái Dịch học Trình – Chu. Giá trị lớn nhất của Chu Dịch tập thuyết là việc nó đã làm rõ những điều mà bản thân Trình Di và Chu Hi chưa làm rõ được. Trương Thiện Văn trong sách Lịch đại Dịch học yếu tịch giải đề cũng cho rằng: ban đầu Du Diễm từng tập hợp thuyết của các nhà nghiên cứu Dịch để viết thành Đại Dịch hội yếu gồm 130 quyển, sau đó lựa chọn những gì tinh hoa nhất để viết thành Chu Dịch tập thuyết. Trong khoảng 30 năm mà ông đã 4 lần thay đổi bản thảo của quyển sách. Quyển sách ban đầu thì tông chủ học thuyết Trình Di và Chu Hi, sau này thì ngoại trừ Trình – Chu ra, ông còn đưa ra những nghĩa lí khác tương đối mới mẻ sâu sắc[29].
Vào đời Nguyên, những tác phẩm viết theo xu hướng Dịch học này còn có Hoàng Trạch 黃澤 với Dịch học lạm thương 易學濫觴 (Ngọn nguồn của Dịch học). Tác phẩm Dịch học này không dày dặn. Chủ yếu nêu ra những ý tưởng của Hoàng Trạch về Chu Dịch và về các trường phái Dịch học trước ông trong lịch sử. Thông qua những ghi chép này, Hoàng Trạch khẳng định mong muốn làm sáng tỏ đường hướng của Tượng học dựa trên việc kết hợp cả Trình Di và Chu Hi. Tượng học là khái niệm được Hoàng Trạch phát triển từ thuyết “vong tượng” 忘象 của Vương Phụ Tự 王輔嗣 (Vương Bật). Ông cho rằng Tượng học đã biến mất từ cuối đời nhà Chu đến thời của ông là 1700 năm không có người kế thừa, mục đích của Dịch học là để làm rõ những điều ẩn giấu trong các tượng (minh tượng 明象). “Các nhà Nho như Trình Di thì chủ về lí, Chu Hi thì chủ về chiêm bốc. Hai người đó tuy mang trong mình cái học thật tinh túy, nhưng cũng chỉ là mỗi người tâm đắc với tâm chí mình mà thôi” 伊川雖主於理,晦庵雖主於占,然世之學易者,皆知易當明象。故雖精粹如朱程學者,終未免各悉其心志[30]. Việc kết hợp Dịch học Trình – Chu lúc này đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành tân thuyết của Hoàng Trạch về Tượng học[31].
Đời Thanh, vấn đề kết hợp Dịch học Trình tử và Chu tử vẫn còn được đặt ra, song độ quan tâm đến vấn đề này đã suy giảm đáng kể. Các tác giả thường viết theo xu hướng kết hợp Dịch học Trình Chu để sáng lập tân thuyết hoặc là để làm rõ những vấn đề chưa thực sự sáng tỏ của Dịch học. Chu Dịch chiết trung 周易折中 (tên đầy đủ trong Tứ khố toàn thư là Ngự toản Chu Dịch chiết trung 御纂周易折中) của Lí Quang Địa 李光地 (biên soạn vào năm 1715 dưới triều vua Khang Hi nhà Thanh) là tác phẩm tiêu biểu nhất trong giai đoạn này. Theo Trương Thiện Văn, bộ sách này dựa chủ yếu trên chú giải của Trình Di và Chu Hi, đồng thời tham bác nhiều chú giải từ đời Tiên Tần, Hán, Ngụy để tìm ra một giải pháp chiết trung trong lí giải Chu Dịch[32]. Trong Chu Dịch chiết trung, vai trò của Chu Hi trở nên đậm nét hơn so với Trình tử. Dịch học Chu Hi được tiếp nhận và chuyển tải một cách có hệ thống, không chỉ Bản nghĩa mà cả Khải mông và những ngôn luận về Dịch của Chu Hi trong Ngữ loại cũng được xét đến một cách đầy đủ. Hơn nữa, về mặt thể thức, Chu Dịch chiết trung khi làm chú giải cho các thành tố của Chu Dịch đã lựa chọn đưa Chu Dịch bản nghĩa lên vị trí trước và đưa Y Xuyên Dịch truyện về vị trí đứng sau, ngược hẳn với trật tự trình bày của Chu Dịch truyện nghĩa đại toàn. Ở phần “Tập thuyết”, tác giả lựa chọn những bàn luận về Chu Dịch của các nhà Dịch học, lập luận nào theo ông là xác đáng nhất, có thể làm rõ được thêm cho những điều mà Trình – Chu chưa làm rõ thì đều được biên chép vào. Tuy cùng được biên soạn với mục đích phục vụ khoa cử, song Chu Dịch chiết trung đã tránh gây ra cho người đọc cảm giác tạp loạn và ít tính chủ kiến như Chu Dịch truyện nghĩa đại toàn. Vì vậy, nó được các nhà nghiên cứu Chu Dịch đánh giá cao và quan tâm tìm hiểu hơn.
Một tác phẩm tiêu biểu khác nữa là của Chu Thức 朱軾 đời Thanh: Chu Dịch truyện nghĩa hợp đính 周易傳義合訂. Khi nhìn nhận về Dịch học trong quá khứ, Chu Thức cho rằng Dịch học phải đến khi “Dịch truyện của Trình Di và Bản nghĩa của Chu Hi ra đời thì cái học nghĩa lí và cái học tượng số của Chu Dịch mới được quy về một mối” 至程子《易傳》,朱子《本義》出,義理象數始歸於一[33]. Cuốn sách này của Chu Thức cố gắng hình dung về Trình – Chu như một thể thống nhất trong lí giải Chu Dịch. Về cơ bản, nó được viết dựa trên quan điểm của Trình – Chu song phụ lục cả những quan điểm khác của tiên nho. Theo Tứ khố toàn thư tổng mục đề yếu, “những chỗ nào mà lập luận các nhà có điểm ưu việt hơn cả truyện nghĩa của Trình – Chu thì sẵn sàng bỏ cả Trình – Chu để theo quan điểm được cho là hợp lí hơn đấy. Những điều mà Chu Thức quan niệm cũng được ghi chép ở ngay sau truyện nghĩa” 其諸儒之論有實勝傳義者,則竟舍傳義而從之。軾所見,亦各附於後. Đây là một thái độ nghiêm túc, có tính học thuật.
Ngoài ra, Dịch kinh thông chú 易經通注 của Phó Dĩ Tiệm 傅以漸 đời Thanh gồm 9 quyển cũng được triển khai theo xu hướng này. Sách được biên soạn theo chỉ dụ của vua Thuận Trị nhà Thanh. Nội dung hướng đến dung hòa các thuyết Dịch học từ chú giải của Vương Bật, chú sớ và chính nghĩa của Khổng Dĩnh Đạt đến Trình truyện, Chu tử Bản nghĩa và được hậu thế đánh giá rất cao. Tứ khố toàn thư tổng mục đề yếu viết: “Đời Vĩnh Lạc nhà Minh, người ta sai nho thần tập hợp những kiến giải của các nhà nho trước đời Nguyên lại để biên thành Chu Dịch truyện nghĩa đại toàn, bộ sách đó tuy có nhiều phát kiến về nghĩa lí nhưng đại thể thì tạp nhạp nhiều thuyết giống, trái ngược nhau, không có chỗ nào là không phồn tạp có thể cắt bỏ, bộ sách thiếu đi cái yếu ước” 永樂間,命儒臣合元以前諸儒之說,彙為《大全》,皆於易理多所發明,但其中同異互存不無繁而可刪革而寡要[34]. Dù sao, Chu Dịch truyện nghĩa đại toàn cũng ra đời trước Chu Dịch thông chú ba trăm năm, nhiều chú giải mới ra đời trong khoảng thời gian ba thế kỉ ấy. Chu Dịch thông chú hướng đến mục đích kết tập và dung hòa những thuyết tân sinh, tìm giải pháp chiết trung những thuyết tân sinh này cho phù hợp với cách lí giải của dòng phái Trình – Chu.
Dựa trên việc kết hợp Trình – Chu để xác lập một lí giải mới về các thành tố của Chu Dịch là hiện tượng tương đối phổ biến trong Dịch học Việt Nam. Có thể nhắc đến Dịch kinh tiết yếu 易經節要[35] và Dịch kinh tiết yếu diễn nghĩa 易經節要演義 (tên gọi khác: Dịch kinh đại toàn tiết yếu diễn nghĩa 易經大全節要演義)[36] của Bùi Huy Bích 裴輝碧[37]. Dịch kinh tiết yếu được rút ngắn trên cơ sở hệ bản Việt Nam của Chu Dịch truyện nghĩa đại toàn, còn Dịch kinh tiết yếu diễn nghĩa về bản chất chính là Dịch kinh tiết yếu có bổ sung những diễn nghĩa bằng chữ Nôm (khả năng cao không phải do Bùi Huy Bích trực tiếp diễn nghĩa)[38]. Dịch kinh tiết yếu hay rộng hơn là toàn bộ hệ thống văn bản tiết yếu, tiết yếu diễn nghĩa của Bùi Huy Bích được coi là phiên bản thu gọn hệ thống Đại toàn và trên cơ sở đó diễn nghĩa sang chữ Nôm. Hệ thống tiết yếu và tiết yếu diễn nghĩa này vốn được coi là sản phẩm phục vụ thi cử, ít được những nhà nghiên cứu lịch sử tư tưởng Việt Nam quan tâm nghiên cứu.
Từ thực tế khảo sát, chúng tôi nhận thấy, tiết yếu của Bùi Huy Bích có những xu hướng tư tưởng khác với hệ thống tư tưởng của Đại toàn do nhóm Hồ Quảng đời Minh biên soạn, nó thể hiện được sự độc lập trong quan điểm biên soạn cũng như những quan điểm kinh học độc lập của Bùi Huy Bích. Thực chất, Dịch kinh tiết yếu không đơn thuần là một phiên bản rút gọn của Chu Dịch truyện nghĩa đại toàn. Tác giả có thêm rất nhiều đoản chú, tuy không nhiều giá trị kinh học, nhưng cũng làm rõ thêm cho văn nghĩa của kinh điển. Kết cấu của Dịch kinh tiết yếu rất khác biệt với Chu Dịch truyện nghĩa đại toàn. Dịch kinh tiết yếu phá tan cấu trúc những câu văn trong “Tượng từ”, “Thoán từ”, “Văn ngôn” của Chu Dịch đại toàn, xếp đặt lại vị trí của những câu văn đó vào vị trí sau các quái từ hoặc hào từ, bắt chúng đóng vai trò như những chú giải có tính chất bổ sung chứ không sắp đặt chúng riêng rẽ. Trường hợp tiết giản dễ nhận thấy là trường hợp của “Phục Hi Bát quái thứ tự chi đồ” 伏羲八卦次序之圖. Trong văn bản của Chu Dịch truyện nghĩa đại toàn có đồ hình này, nhưng trong bản tiết yếu, Bùi Huy Bích đã chủ động lược cắt đi văn bản này bởi nội dung của nó đã được chuyển tải trung thành trong đồ: “Phục Hi lục thập tứ quái thứ tự hoành đồ” 伏羲六十四卦次序横圖. Một thao tác cho thấy người biên soạn đã tiến hành kết hợp hai bức đồ này lại với nhau làm một đó là ông đã chuyển một số đoạn chú giải quan trọng vốn nằm ở “Phục Hi bát quái thứ tự chi đồ” vào trong “Phục Hi lục thập tứ quái thứ tự hoành đồ” rồi xóa bỏ hoàn toàn “Phục Hi bát quái thứ tự chi đồ”. Đoạn giải thích cho “Phục Hi bát quái thứ tự chi đồ” được gộp chung vào những giải thích của “Phục Hi lục thập tứ quái thứ tự hoành đồ”:
“Thuyết quái truyện viết: Dịch ngược số dã. Thiệu tử viết: Càn nhất, Đoài nhị, Li tam, Chấn tứ, Tốn ngũ, Khảm lục, Cấn thất, Khôn bát” 說卦傳曰:易逆數也。邵子曰:乾一,兌二,離三,震四,巽五,坎六,艮七,坤八 (Phần “Thuyết quái” có viết: Dịch tuân theo nguyên tắc ngược số vậy. Thiệu tử viết: Càn một, Đoài hai, Li ba, Chấn bốn, Tốn năm, Khảm sáu, Cấn bảy, Khôn tám)[39].
Điều này cho thấy, những người làm tiết yếu có ý đồ tinh giản văn bản Chu Dịch truyện nghĩa đại toàn vốn đã trùng lặp và phồn tạp về ý tưởng. Giá trị độc lập với Chu Dịch truyện nghĩa đại toàn của Dịch kinh tiết yếu là không thể phủ nhận.
Chu Dịch truyện nghĩa đại toàn đề cao vai trò của Trình tử, còn Dịch kinh tiết yếu và Dịch kinh tiết yếu diễn nghĩa của Bùi Huy Bích thì không đặt vấn đề đề cao nhà tư tưởng nào hơn. Khi dẫn dụng ý kiến của nhà chú giải nào, sách nào, Bùi Huy Bích cũng chỉ ghi nguồn dẫn một cách qua loa, bất chấp mọi nhầm lẫn có thể xảy ra (trường hợp Song Hồ Hồ thị 雙湖胡氏 tức Hồ Nhất Quế 胡一桂 và Vân Phong Hồ thị 雲峰胡氏 tức Hồ Bính Văn 胡炳文 đều được dẫn dụng bằng một cái tên chung là Hồ thị 胡氏, việc dẫn dụng nhầm lẫn tác giả phát ngôn cũng thường xuyên xảy ra, thậm chí là bỏ qua không ghi rõ nguồn gốc phát ngôn). Nhà chú giải, dù đó là Chu Hi, Trình Di, Thiệu Khang Tiết, Lã Tổ Khiêm hay bất kì nhà chú giải Tống, Nguyên, Minh (và cả đời Thanh) nào khác cũng đều phải phát ngôn một cách “cô đọng nhất có thể”, sẵn sàng bị cắt gọt, chuyển đổi vị trí và bị tách khỏi bối cảnh phát ngôn bất cứ lúc nào. Việc phá vỡ cấu trúc của mọi chú giải thậm chí là của cả kinh văn (“chính văn” của Chu Dịch – đối tượng được chú giải) và toàn bộ tác phẩm không hẳn sẽ giúp kiến tạo những kiến giải độc đáo. Đây đó trong Dịch kinh tiết yếu, chủ thể thông diễn xuất hiện với một vài quan điểm lẻ tẻ khó nắm bắt, thiếu tính hệ thống về thế nào là “tri Dịch” 知易 hay thế nào là “thánh nhân chi sự” 聖人之事,… Chúng tôi chưa thấy một quan điểm nào của chủ thể thông diễn xuất hiện một cách mạch lạc có đầu có cuối. Việc gạt bỏ hay tán tụng giá trị của Dịch kinh tiết yếu và Dịch kinh tiết yếu diễn nghĩa hay toàn bộ hệ thống tiết yếu và tiết yếu diễn nghĩa nói chung mà thiếu những khảo sát tổng thể và kĩ lưỡng đều rất dễ rơi vào định kiến. Với những dữ kiện đã nêu trên là đủ để khẳng định Dịch kinh tiết yếu và Dịch kinh tiết yếu diễn nghĩa của Bùi Huy Bích không phải là phiên bản tóm tắt mà là những tác phẩm có giá trị độc lập với hệ thống Chu Dịch truyện nghĩa đại toàn Trung Quốc. Có thể xếp chúng vào nhóm những tác phẩm kết hợp dịch học Trình – Chu để làm nổi bật và làm rõ thêm một số những điều mà Trình – Chu chưa trình bày được một cách tường tận, rõ ràng và cô đọng.
Ở Nhật Bản, viết theo xu hướng kết hợp Dịch học Trình – Chu có quyển Dịch kinh tập chú 易経集註 (24 quyển) do Matsunaga Shoeki 松永昌易 (1619 – 1680) làm chú giải trên cơ sở hợp biên Y Xuyên Dịch truyện và Chu Dịch bản nghĩa[40]. Về thể thức trình bày, thoạt nhìn Dịch kinh tập chú có hình thức rất giống với cách thức triển khai của Chu Dịch truyện nghĩa đại toàn. Matsunaga Shoeki rất ít đưa ra biện luận trong những phần tiêu chú của mình. Ông làm công việc của một nhà khảo cứu và chú giải hơn là công việc của nhà tư tưởng muốn xây dựng học thuyết của riêng mình trên nền tảng tư tưởng Trình – Chu về Dịch học. Những phần nào trong Dịch truyện và Bản nghĩa cần được diễn giải cho rõ ràng thì ông trích dẫn sách vở hữu quan để làm phụ chú, giúp người đọc có cơ sở tham chiếu và hiểu sâu sắc thêm về Dịch truyện và Bản nghĩa. Số lượng những sách được ông sử dụng phục vụ chú giải là nhiều, bao gồm nhiều sách là sản phẩm của kinh học Tống – Nguyên – Minh. Vào thời Matsunaga Shoeki sống, đối với người Nhật Bản mà nói, việc kết tập một khối lượng tư liệu lớn để làm chú giải cho Chu Dịch như vậy là điều không dễ dàng. Có thể kể tên một số tư liệu đã được Matsunaga Shoeki sử dụng: Chu Dịch cú giải 周易句解, Quần thư khảo sách 群書考索, Lâm tử toàn thư 林子全書, Độc thư kí 讀書錄, Độc thư kí tục tập 讀書錄續集, Chu Dịch bàng chú 周易旁註, Dương Thăng Am tập 楊升庵集, Khốn tri kí 困知記, Dịch ý tham nghi thủ biên 易意參疑首編,…
Ở Hàn Quốc, chúng tôi cũng ghi nhận xuất hiện một số tác phẩm có xu hướng kết hợp Trình tử và Chu tử, nhằm sáng tạo tân thuyết, định hình cách đọc kinh điển riêng của bản thân như trường hợp của Chu Dịch bản nghĩa – Khẩu quyết phụ thuyết 周易本義‧口訣附說[41] do Thôi Lập 崔岦 (최립) (1539-1612) viết. Thôi Lập nhận thức rất rõ về sự khác biệt giữa Trình tử và Chu tử: “Đến như Dịch truyện của Trình tử, Bản nghĩa của Chu tử cũng hơi có những điều khác biệt hay tương đồng, không thể không tiến hành đối chiếu khảo sát được” 至於程子《傳》,朱子《本義》略有異同,不得不叅互稽 (Chu Dịch bản nghĩa – Khẩu quyết phụ thuyết – “Tiến Chu Dịch bản nghĩa khẩu quyết sớ”). Quan điểm tiếp nhận Trình – Chu của Thôi Lập giữ được sự khách quan và tinh thần khảo cứu nghiêm túc. Ông cũng tự nhận thấy những gì mình viết rất phù hợp với bản ý của thánh nhân và đều có chứng cớ cả, chứ không phải là những điều được viết ra một cách bừa bãi: “Những chỗ mà tôi thấy có thể theo Dịch truyện của Trình Di được mà không ngờ vực gì thì tôi theo Dịch truyện; những chỗ tôi thấy có thể theo Bản nghĩa của Chu Hi được mà không ngờ vực gì thì tôi theo Bản nghĩa, nếu như cả Dịch truyện và Bản nghĩa đều có những chỗ khả nghi hay những điều khiến tôi băn khoăn thì tôi không thể không đưa ra những kiến giải của mình được” 而從《傳》無疑者,則從《傳》,從《本義》無疑者,則從《本義》,《傳》,《本義》俱涉可疑或有餘蘊,則不得不附以愚說。(Chu Dịch bản nghĩa – Khẩu quyết phụ thuyết – “Tiến Chu Dịch bản nghĩa khẩu quyết sớ”).
Sau Thôi Lập còn có Phác Xương Vũ 朴昌宇 (박창우) (1636 – 1702) với bộ sách Chu Dịch truyện nghĩa tập giải 周易傳義集解[42]. Theo như những gì được viết trong “Tiến Chu Dịch tập giải sớ” 進周易集解疏 thì Phác Xương Vũ viết quyển sách này để tiến dâng lên nhà vua ngự lãm. Động lực học thuật khiến Phác Xương Vũ viết sách đó là do những cảm nhận về “Chú giải cho Chu Dịch của các nhà thì mênh mông, kiến văn của các nhà Nho cũng không thống nhất. Trình truyện và Bản nghĩa có những chỗ khác nhau không thể không khiến những kẻ hậu học nảy sinh nhiều điều nghi hoặc. Trình truyện thì chuyên bàn luận về Lí mà chưa để ý bàn luận về tượng, Bản nghĩa thì chuyên luận về tượng còn về Lí thì có nhiều chỗ còn sơ lược” 程《傳》論乎理而於象則或闕焉,《本義》論乎象而於理則或畧焉. Chu Dịch truyện nghĩa tập giải ban đầu được viết ra nhằm mục đích giải quyết những thắc mắc của tác giả từ nhỏ khi bắt đầu được tiếp xúc với Chu Dịch. Ông viết về cảm giác của ông khi đứng trước những lí giải nhiều khi mâu thuẫn nhau của Trình Di và Chu Hi: “…Thần vì vậy không thể không nảy sinh nghi hoặc. Thần vẫn thường trộm suy xét đi suy xét lại về các con số của Hà đồ, về các con số Thái Diễn, về sự giống khác nhau giữa Tiên thiên – Hậu thiên, về quan hệ thuận nghịch giữa hoành đồ và viên đồ. Từ đó mà suy luận về căn bản ở tượng của các quái hào, tìm tòi thiên lí ẩn sâu trong tính mệnh, dường như cũng có lĩnh hội được vài điều cốt yếu. Sau đó thần tập hợp những bàn luận về Chu Dịch trong Y Xuyên Dịch truyện và Chu Dịch bản nghĩa cùng biện luận của các nhà, nắm bắt những cái cốt yếu, bổ sung những điều khuyết thiếu mà biên thành ba quyển, đặt tên là Tập giải” 此臣之所以不能無疑而竊嘗反覆乎河圖之數,大衍之策,先後天之同異,圓橫圖之順逆,而推原乎卦爻之象,參考乎性命之理,似有得其要領者。然後,乃敢會傳義之所論,集衆說之所辨,就其所要,補其所闕,編成三卷,名以集解。(Chu Dịch truyện nghĩa tập giải – “Tiến Chu Dịch tập giải sớ”. Thực tế triển khai tác phẩm có thể thấy, Phác Xương Vũ cho rằng Chu Dịch bao hàm cả những thành tố nghĩa lí và tượng số. Những kiến giải của ông vẫn dựa trên tinh thần cơ bản của Dịch học Trình – Chu, kết hợp cả nghĩa lí và tượng số cùng những luận giải khác của các nhà để đưa ra một lí giải mà ông cho là thỏa đáng nhất, làm rõ và bổ sung được những điều mà ngay cả những bậc hiền nhân là Trình Di và Chu Hi còn chưa toàn vẹn.
- MỘT SỐ KẾT LUẬN.
Có thể thấy, những nhà kinh học mang tham vọng kết hợp Dịch học Trình – Chu dù nhằm mục đích nào và bằng phương pháp nào cũng đều thừa nhận một số định đề cơ bản về việc Chu Dịch không phải là đối tượng thuần nhất nghĩa lí hay tượng số, mà hai thành tố nghĩa lí và tượng số ở đây hòa lẫn với nhau trong một tổng thể không thể phân tách, nếu muốn đọc Chu Dịch và tiếp nhận Chu Dịch một cách đúng đắn và chuẩn xác. Thông thường, họ là những người ủng hộ thuyết “Dịch canh Tứ thánh” của Chu tử, luôn giương cao ngọn cờ quy hồi học vấn Thánh nhân, đề cao việc tìm giải pháp để có một cách hiểu kinh điển thống nhất và đúng đắn nhất. Việc đọc Chu Dịch và xác định một cách hiểu nhất quán Chu Dịch đã đặt ra cho Lí học vấn đề cần phải có giải pháp kết hợp cả hai trường phái nghĩa lí và tượng số lại, cụ thể, phải kết hợp hai đại diện nổi bật nhất của hai trường phái này là Trình Di và Chu Hi. Nhu cầu này, một cách tự phát, là nhu cầu chung của kinh học Đông Á. Có thể nguyên nhân nảy sinh nhu cầu kết hợp là khác nhau: học vấn tự thân, phục vụ làm tài liệu cho giảng dạy và khoa cử, dâng tiến nhà vua,… nhưng giải pháp là gần gũi và tương đồng.
Bài viết của chúng tôi bên cạnh nội dung phân tích một xu hướng của lịch sử kinh học Đông Á còn có tham vọng đưa ra một số ý tưởng và cách nhìn nhận mới về vai trò của một số tác phẩm cụ thể vẫn đang bị băn khoăn về giá trị trong kinh học Đông Á như: Chu Dịch truyện nghĩa đại toàn, Dịch kinh tiết yếu, Dịch kinh tiết yếu diễn nghĩa,… Về mặt phương pháp, chúng tôi nhận thấy: để tránh những ngộ nhận, hiểu lầm mà nhãn giới cục bộ đem lại, nhà nghiên cứu không thể bình xét một hiện tượng tư tưởng, kinh học nào đó xảy ra ở bất kì nước nào như Việt Nam, Trung Quốc, Hàn Quốc hay Nhật Bản mà không đặt hiện tượng đó trong môi trường tư tưởng và kinh học rộng lớn hơn của khu vực Đông Á. Đây chính là nền tảng có tính nguyên tắc để hình thành một thông diễn tổng quan về kinh học và Nho học Đông Á trong tương lai.
(*) Giảng viên, Bộ môn Hán Nôm, Khoa Văn học, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.
[1] Kỉ Vân, Tứ khố toàn thư tổng mục đề yếu 四庫全書總目提要, Thạch Gia Trang: Hà Bắc nhân dân xuất bản xã 石家庄: 河北人民出版社, tr.50.
[2] Gần đây đã thấy xuất hiện một số quan điểm không đồng tình với quan điểm này như của Vương Phong 王 风, “Luận về sự kế thừa thông suốt giữa Dịch học của Trình Di và Chu Hi” 试论程、朱《易》学之一脉相承, Trung Quốc triết học và Dịch học – Văn tập kỉ niệm lễ mừng thọ thứ 80 của tiên sinh Chu Bá Côn 中国哲学与易学 — 朱伯昆先生八十寿庆纪念文集, Thành phố Bắc Kinh: Bắc Kinh đại học xuất bản xã 北京市:北京大学出版社, 2004. tr.465-484.
[3] Học giả Hàn Quốc, sinh năm 1966, bảo vệ Tiến sĩ Triết học tại Đại học Bắc Kinh năm 2007. Xem Từ Đại Nguyên 徐大源, “Luận về sự giống nhau và khác nhau giữa Dịch học của Trình Di và Chu Hi – Hai vị hiền nhân đã lí giải Chu Dịch ra sao?” 论程朱易学异同 — 两贤如何理解《周易》其书, Chu Dịch nghiên cứu 周易研究, kì 3, 2001, tr.36 – 45.
[4] Sái Phương Lộc 蔡方鹿, “Vai trò của Chu Hi đối với sự phát triển của Dịch học đời Tống – Kiêm luận về sự giống nhau và khác nhau giữa tư tưởng Dịch học của Chu Hi và Trình Di” 朱熹对宋代易学的发展 — 兼论朱熹,程颐易学思想之异同, Chu Dịch nghiên cứu, kì 4, 2001, tr.37 – 47.
[5] Thuyết này gọi là thuyết “Dịch canh tứ thánh”, theo thuyết này, Chu Dịch để có được diện mạo như ngày nay đã phải trải qua qua sự sửa đổi, phát triển của bốn thánh nhân: Phục Hi vẽ ra các vạch quẻ; Văn Vương viết Thoán từ, Chu Công bổ sung Hào từ, Khổng tử thêm vào Thập dực.
[6] Chu tử giải thích: “Từ góc độ lí mà nói thì hễ bàn đến thể thì dụng đã ở trong đó rồi, cái đó gọi là thể và dụng có chung một nguồn. Từ góc độ tượng mà nói thì hễ bàn đến những thứ hiển hiện thì những thứ vi diệu cũng không nằm ngoài nó rồi, cái đó chính là cái không thể phân tách ra được rõ ràng” 蓋自理而言,則即體而用在其中,所謂一源也。自象而言,則即顯而微不能外,所謂無間也。(Hồ Quảng 胡廣, “Chu Dịch Trình tử truyện tự” 周易程子傳序, Chu Dịch truyện nghĩa đại toàn 周易傳義大全, (sách 28 của Ảnh ấn Văn Uyên các Tứ khố toàn thư 影印文淵閣四庫全書), quyển 19, Đài Bắc 臺北: Đài Loan Thương vụ ấn thư quán 臺灣商務印書館, 1983, tr.8).
[7] Chu tử ngữ loại 朱子語類, quyển 66 in trong Chu Tử toàn thư 朱子全書, quyển 16, Thượng Hải cổ tịch xuất bản xã 上海古籍出版社 và An Huy giáo dục xuất bản xã 安徽教育出版社, 2002, tr.2179.
[8] Chu tử ngữ loại, quyển 66 in trong Chu Tử toàn thư, quyển 16, sđd, tr.2182.
[9] Lương Vi Huyền 梁韦弦, “Quan điểm về Chu Dịch của tiên sinh Trình Y Xuyên” 伊川先生的《周易》观, Cát Lâm sư phạm đại học học báo (Nhân văn xã hội khoa học bản) 吉林师范大学学报 (人文社会科学版), số 5, 2003, tr.18-23.
[10] Đổng Chân Khanh, Chu Dịch hội thông, (sách 26 của Ảnh ấn Văn Uyên các Tứ khố toàn thư), sđd, tr.70).
[11] Trinh Di, “Y Xuyên Dịch truyện tự”, Y Xuyên Dịch truyện 伊川易傳, (sách 9 của Ảnh ấn Văn Uyên các Tứ khố toàn thư), sđd, tr.157).
[12] Đổng Khải, Chu Dịch truyện nghĩa phụ lục – “Đổng thị Dịch truyện nghĩa phụ lục tự” 董氏易傳義附錄序, sđd, tr.3.
[13] Đổng Khải, Chu Dịch truyện nghĩa phụ lục – “Chu Dịch Trình Chu thị thuyết phàm lệ” 周易程朱氏說凡例, (sách 8, Ảnh ấn Xi Tảo đường Tứ khố toàn thư oái yếu 影印摛藻堂四庫全書薈要, Đài Bắc: Thế Giới thư cục 臺北巿: 世界書局, 1988, tr.4).
[14] Điều này là nguyên nhân vì sao mà trong Tứ khố toàn thư tổng mục đề yếu, Kỉ Vân cho rằng cả hai quyển sách “Chu Dịch Trình Chu truyện nghĩa chiết trung 周易程朱傳義折衷 của Triệu Thái 趙采 và Chu Dịch truyện nghĩa phụ lục của Đổng Khải đều sử dụng Trình truyện làm căn bản và sau đó tách Bản nghĩa để phụ thêm vào với Trình truyện” 然采與董楷已用程子本,而析《本義》以附之 (Triệu Thái, Chu Dịch Trình Chu truyện nghĩa chiết trung – “Đề yếu”, (sách 23 của Ảnh ấn Văn Uyên các Tứ khố toàn thư), sđd, tr.2).
[15] Đổng Khải, Chu Dịch truyện nghĩa phụ lục – “Đổng thị Dịch truyện nghĩa phụ lục tự” 董氏易傳義附錄序, sđd, tr.2.
[16] Đổng Khải, Chu Dịch truyện nghĩa phụ lục – “Đổng thị Dịch truyện nghĩa phụ lục tự”, sđd, tr.4.
[17] Triệu Thái, Chu Dịch Trình Chu truyện nghĩa chiết trung – “Đề yếu”, sđd, tr.2.
[18] Triệu Thái, Chu Dịch Trình Chu truyện nghĩa chiết trung – “Chu Dịch Trình Chu truyện nghĩa chiết trung nguyên tự” 周易程周傳義折衷原序, sđd, tr.3.
[19] Triệu Thái, Chu Dịch Trình Chu truyện nghĩa chiết trung – “Chu Dịch Trình Chu truyện nghĩa chiết trung nguyên tự”, sđd, tr.3.
[20] Kim Chu Xương 金周昌 (Hàn Quốc), “Phân tích và so sánh quan điểm về Chu Dịch của Trình Di và Chu Hi” 程朱《周易》观之分析与比较, Giang Nam đại học học báo (Nhân văn xã hội khoa học bản) 江南大学学报 (人文社会科学版), kì 1 năm 2004, tr.42-43,60).
[21] Tze-Ki Hon, “A Precarious Balance: Divination and Moral Philosophy in Zhouyi Zhuanyi Daquan (《周易傳義大全》)”, Journal of Chinese Philosophy, 35(2), June 2008, p.253-271.
[22] Trương Thiện Văn張善文, Lịch đại Dịch học yếu tịch giải đề 歷代易學要籍解題, Đài Bắc huyện – Thổ Thành thị 臺北縣 – 土城市: Đỉnh Uyên 頂淵, 2006, tr.163
[23] Hồ Quảng, Chu Dịch truyện nghĩa đại toàn, “Phàm lệ”, sđd, tr.4.
[24] Tze-Ki Hon, “A Precarious Balance: Divination and Moral Philosophy in Zhouyi Zhuanyi Daquan”, sđd, tr.263.
[25] Triệu Thái, Chu Dịch Trình Chu truyện nghĩa chiết trung – “Đề yếu”, (sách 23 của Ảnh ấn Văn Uyên các Tứ khố toàn thư), sđd, tr.2.
[26] Tze-Ki Hon, “A Precarious Balance: Divination and Moral Philosophy in Zhouyi Zhuanyi Daquan”, sđd, tr.259
[27] Du Diễm sống vào cuối đời Tống đầu đời Nguyên, tên tự là Ngọc Ngô 玉吾, tên hiệu là Toàn Dương tử 全陽子, ông này là một người theo Đạo giáo, nghiên cứu Chu Dịch hơn 30 năm.
[28] Du Diễm, Chu Dịch tập thuyết, sách 21 của Ảnh ấn Văn Uyên các Tứ khố toàn thư, sđd, tr.2-3.
[29] Trương Thiện Văn, Lịch đại Dịch học yếu tịch giải đề, sđd, tr.148-149.
[30] Hoàng Trạch, Dịch học lạm thương, sách 24 của Ảnh ấn Văn Uyên các Tứ khố toàn thư, sđd, tr.3.
[31] Một người học trò xa của Hoàng Trạch là Triệu Phương 趙汸 sống vào đời Minh cũng viết Chu Dịch văn thuyên 周易文詮. Quyển này cũng được thu vào trong Tứ khố toàn thư (sách 27, Văn Uyên các Tứ khố toàn thư, sđd). Sách sử dụng chủ yếu cái học Trình Di và Chu Hi kết hợp với cái học Tiên hậu thiên của Thiệu Ung. Triệu Phương là “học trò qua sách vở” của Hoàng Trạch. Chịu ảnh hưởng nhiều quan điểm của Hoàng Trạch về Dịch tượng.
[32] Trương Thiện Văn, Lịch đại Dịch học yếu tịch giải đề, sđd, tr.227.
[33] Chu Thức, Chu Dịch truyện nghĩa hợp đính, (sách 47, Văn Uyên các Tứ khố toàn thư, sđd), tr.249.
[34] Phó Dĩ Tiệm, Dịch kinh thông chú, (sách 37, Văn Uyên các Tứ khố toàn thư, sđd), tr.6.
[35] Sách gồm các kí hiệu AC. 422/5 – 6 (Đa Văn Đường in), AC. 194/5 – 6 (Tụ Văn Đường in) nằm ở Viện Nghiên cứu Hán Nôm và văn bản lưu trữ ở Paris với kí hiệu Paris. MG. FC. 30250 – 30253 (do Mĩ Văn Đường in). Chúng tôi sở hữu trong tay một bản của Tác Tân đường 作新堂.
[36] Văn bản Dịch kinh tiết yếu diễn nghĩa mà chúng tôi sử dụng này là bản AB.539/7-9 được lưu trữ trong thư viện Viện nghiên cứu Hán Nôm.
[37] Ngoài ra theo Trần Nghĩa, François Gros, Viện nghiên cứu Hán Nôm và d’Extrême-Orient Ecole française (Eds.) Di sản Hán Nôm Việt Nam : thư mục đề yếu, Khoa học xã hội, 1993 còn có văn bản Dịch kinh đại toàn tiết yếu diễn nghĩa 易經大全節要演義 của Hoa Đường Phạm Quý Thích 華堂笵貴適 soạn đời Cảnh Hưng (1740-1785) gồm ba bản in: VNv.108/1-4, VNv.110/1-3, VNv.111/1-3. Thực ra không có Dịch kinh đại toàn tiết yếu diễn nghĩa nào là của Phạm Quý Thích cả. Đây là một nhầm lẫn của những người biên soạn Di sản hán nôm Việt nam thư mục đề yếu.
[38] Khi so sánh phần tiết yếu của hai tác phẩm, chúng tôi nhận thấy chúng gần như không có sai biệt nào đáng kể. Dịch kinh tiết yếu diễn nghĩa về bản chất chính là Dịch kinh tiết yếu được bổ sung thêm những diễn nghĩa bằng chữ Nôm.
[39] Xem Bùi Huy Bích, Dịch kinh đại toàn tiết yếu diễn nghĩa, AB.539/7-9, Thư viện Viện nghiên cứu Hán Nôm.
[40] Xem Matsunaga Shoeki, Dịch kinh tập chú (Trình Di truyện 程頤伝, Chu Hi bản nghĩa 朱熹本義, Matsunaga Shoeki tiêu chú昌易標註), 文庫11 d0018, 早稲田大学図書館 Waseda University.
[41] Văn bản chúng tôi sử dụng là văn bản của Khuê Chương các tàng bản 奎章閣藏本, kí hiệu 奎4296.
[42] Văn bản chúng tôi sử dụng là văn bản của Thành Quân quán đại 成均館大, Đồ thư quán tàng bản 圖書館藏本 kí hiệu A2-25.