1. Dẫn nhập.
Văn hóa thủ sao bản (manuscript culture, 手抄本文化, văn hóa bản chép tay) là khái niệm trung tâm của quyển sách Ghi chép về chiếc bàn bụi[1]: Nghiên cứu về Đào Uyên Minh và văn hóa thủ sao bản 尘几录:陶渊明与手抄本文化研究[2]. Tác giả của quyển sách là Điền Hiểu Phi 田曉菲, một giáo sư văn học của Harvard. Bà viết tác phẩm này chủ yếu là phác họa tiến trình xây dựng và vun đắp hình ảnh của Đào Uyên Minh trong văn hóa thủ sao bản và nhằm tìm hiểu xem độc giả bằng cách nào để chủ động tham dự vào quá trình sản sinh và xây dựng hình ảnh “Đào Uyên Minh” với tư cách người đồng sáng tạo. Khái niệm văn hóa thủ sao bản ở đây được sử dụng song song và ở rất nhiều chỗ được ngầm đối sánh với khái niệm văn hóa ấn loát bản (văn hóa bản in ấn). Song Điền Hiểu Phi đã không đề cập, đi sâu nghiên cứu văn hóa ấn loát bản mà chỉ tập trung nghiên cứu những đặc điểm văn bản, tác giả, người đọc của tác phẩm trong nền văn hóa của những thủ sao bản. Điền Hiểu Phi nhấn mạnh rằng, ngay cả khi kĩ thuật in ấn đã cực kì phát triển, việc in ấn thư tịch đã nhanh chóng thay thế phương pháp thủ sao để trở thành một phương tiện chuyển tải thông tin quan trọng nhất thì văn hóa thủ sao bản vẫn không mất đi vai trò và giá trị của chúng.
Đối tượng nghiên cứu trực tiếp của quyển sách này chính là hình ảnh “Đào Uyên Minh”, song ảnh hưởng về mặt lí luận và phương pháp của quyển sách này đã vượt ra rất xa khỏi đối tượng nghiên cứu trực tiếp của nó để trở thành một tác phẩm đưa ra nhiều định đề lí thuyết cho việc nhận thức về sự tồn tại của một nền văn hóa thủ sao bản thời cổ đại ở Trung Quốc và các nước trong vòng ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc trong đó có Việt Nam. Tác phẩm đã cho ta thấy “một hình tượng Đào Uyên Minh khác hẳn những gì văn học sử trong nước đắp dựng xưa nay, đồng thời đã khơi lên những phản tư sâu sắc về văn hóa thủ sao bản, khiến phải nhận thức lại tính chất lưu động của những văn bản thời kì trung cổ Trung Quốc” (Kha Hoan Hoan 柯欢欢, 2009:107);
Quyển sách của Điền Hiểu Phi, đồng thời, cũng được thảo luận trong nhiều bài viết của các học giả trên thế giới. Có học giả cho rằng quyển sách đem đến một đường hướng quan trọng trong việc lí giải ở tầng diện sâu sắc hơn những vấn đề văn hóa và văn học Trung Quốc (Trần Khánh 陈庆, 2010:074); họ khen ngợi cách đọc và hiểu Đào Uyên Minh có tính cách tân (Robert Ashmore, 2009:188); rằng sách của Điền Hiểu Phi là một nghiên cứu trực tiếp về bản chất lưu động của những thủ sao bản và là một sự phát lộ những khía cạnh bị lãng quên của một bài thơ, thông qua nghiên cứu về dị bản (những từ và những đoạn thơ khác nhau) những thứ không được để ý đến trong những cách đọc tiêu chuẩn (standard readings) (Cynthia L. Chennault, 2007:838).
Đôi khi cũng có những ý kiến có tính chất phản biện về quan điểm của Điền Hiểu Phi, chủ yếu là đối với một vài trường hợp hết sức cụ thể, liên quan trực tiếp đến việc xử lí các văn bản thơ ca của Đào Uyên Minh (Điền Phổ Phương 田晋芳, 2010). Ngoài ra, hầu như không có bình luận nào đặt vấn đề phản biện cơ sở lí thuyết của cuốn sách này cả.
Trước tiên, cần phải khẳng định rằng Điền Hiểu Phi không phải là người đầu tiên đề xuất đến khái niệm văn hóa thủ sao bản. Đã có nhiều nhà nghiên cứu quan tâm đến vấn đề văn hóa thủ sao bản (manuscript culture). Trước Điền Hiểu Phi, những nhà nghiên cứu Âu Mĩ quan tâm đến nó là vì văn hóa thủ sao bản là một trong số những nhân tố quyết định đến tình hình văn bản kinh điển của các nước châu Âu, nhất là trước khi kĩ thuật in ấn ra đời. Có nhiều nghiên cứu của Âu Mĩ tập trung vào nhóm văn bản thủ sao này đặc biệt là những nghiên cứu liên quan đến nhóm văn bản Thiên Chúa giáo sơ kì. Ở đây đó, những ý kiến về đặc trưng của những văn bản thủ sao đã được họ nhắc đến hay tổng kết. Tập trung vào nghiên cứu văn hóa thủ sao bản, Điền Hiểu Phi có lẽ muốn những nghiên cứu của mình hòa nhập với không khí chung của giới nghiên cứu Âu – Mĩ, nhiệt tình này khiến cho bà, ở đôi chỗ quên đi những khác biệt giữa hai nền văn hóa văn bản bị quy định bởi đặc trưng của hai hệ thống ngôn ngữ khác nhau. Đặc trưng ngôn ngữ Ấn Âu được cấu tạo từ những chữ cái cơ bản, vì vậy kĩ thuật in rời cho phép người ta sáng tạo trong hoạt động in ấn và trở nên hết sức năng động trong việc thay thế văn bản chép tay bằng những văn bản được in ấn đẹp đẽ. Điều này đã tạo ra một cuộc cách mạng thực sự trong hoạt động in ấn văn bản và đi theo đó là cuộc cách mạng về tri thức. Còn ở các ngôn ngữ đơn lập như tiếng Hán, việc in ấn phụ thuộc vào hệ thống ván in, để in xong một quyển sách, cần đến một số lượng ván in khổng lồ. Đặc trưng của hoạt động in ấn khác nhau, dẫn đến hệ thống văn bản được in ấn cũng mang những đặc điểm khác nhau.
2. Một số luận điểm lí thuyết của Điền Hiểu Phi về thủ sao bản.
1.Sao chép một quyển sách, đối với đại đa số người hiện đại là một thể nghiệm tương đối lạ lẫm. Nhưng, trong thời đại của văn hóa thủ sao bản, đây là con đường quan trọng, cơ hồ cũng là con đường duy nhất để truyền bá tri thức và tin tức (Điền Hiểu Phi田晓菲, 2007:2).
2.Nguyên bản đã không còn tồn tại, bất kì nỗ lực nào trong việc tìm kiếm “nguyên bản” hoặc “chân bản” đều chỉ là phí công vô ích, và về căn bản là không có nhiều ý nghĩa (Điền Hiểu Phi, 2007:3).
3.Trong thời đại của sao bản, một người sao chép trở thành một độc giả đặc biệt, có thể tích cực chủ động tham gia vào việc tái sáng tạo văn bản. Người sao chép có độ tuổi, giới tính, trình độ, hoàn cảnh xã hội và mục đích cũng hết sức khác nhau (Điền Hiểu Phi, 2007:8). “Tác giả” vẫn còn rất quan trọng, nhưng tác giả trong tác phẩm của anh ta đã không còn chiếm một vị trí trung tâm ổn định và quyền uy được nữa, không phải là một dạng thức tồn tại toàn năng, khống chế và nắm giữ tất cả (Điền Hiểu Phi, 2007:8).
4.Một bản sách được in thì giống hàng ngàn quyển sách khác cùng được in từ một ván in; nhưng thủ sao bản thì không phải như vậy. Mỗi một bản thủ sao đều là độc nhất vô nhị (Điền Hiểu Phi, 2007:2).
5.Những thư tịch được ấn loát từ cùng một ván in thì đều giống hệt nhau cho nên việc ấn loát có thể làm hạn chế khả năng sản sinh ra dị văn. Trong khi đó mỗi một bản sao đều là độc nhất vô nhị, đều có thể sản sinh ra những dị văn mới, so với những văn bản được ấn loát thì thủ sao bản sẽ làm gia tăng mạnh tổng số dị văn (Điền Hiểu Phi, 2007:8)
6.Nhân loại luôn khát vọng sự ổn định một cách tự giác hoặc không tự giác: sự ổn định của văn bản, sự ổn định của cấu trúc tri thức, sự ổn định của lịch sử nhưng sự “ổn định” này chỉ là ảo tưởng. Sự biến đổi của tự và câu không phải là những biến đổi tiểu tiết không liên quan gì đến toàn cục, nó có thể khiến cho toàn bộ bài thơ thay đổi hoàn toàn; những biến đổi này tích lũy qua nhiều năm có thể cải biến hoàn toàn diện mạo của thi nhân, từ đó mà thay đổi hoàn toàn diện mạo của lịch sử văn học (Điền Hiểu Phi, 2007:14).
7.Hoàng Phi Liệt (1763-1825) là một trong số những tàng thư gia và hiệu khám gia nổi tiếng nhất đời Thanh… Ông tin vào việc “cầu cổ” và “cầu chân”, hai mục tiêu này thường được hợp làm một trong tâm niệm của ông. Ông từng nói: “mỗi sự mỗi vật của cổ nhân đều có tinh thần, có sức sống cho nên dài lâu mà chẳng suy. Nhưng dòng đời trôi năm hết, không chỗ nào là không có những khác biệt tỏ mờ, lại phải kì vọng hậu nhân gom vét những gì đã mất mát, tham khảo những điều được nghe trước đây, đấy chính là cái cổ thì quý ở việc tìm cầu vậy”. Thể hiện cụ thể trong hoạt động sưu tầm và hiệu khám của ông, “cầu cổ” và “cầu chân” hàm ý rằng những bản khắc sớm xuất hiện (đồng thời cũng là bản khắc đời Tống) hoặc sao bản sớm xuất hiện luôn luôn tốt hơn những bản xuất hiện muộn hơn. Theo quan điểm của Hoàng Phi Liệt, những văn bản này đã thể hiện được tốt nhất “diện mạo nguyên thủy” của một bộ thư tịch, từ đó thể hiện được “tinh thần” của người cổ đại. Khuyết điểm của quan điểm này là rất rõ ràng, vì nó từ chối thừa nhận tính chất lưu động và không ổn định của văn bản trong văn hóa thủ sao bản, củng cố thêm ảo tưởng rằng: cho dù trong quá trình lưu động của văn bản có tồn tại những vấn đề lớn, nhưng chúng ta vẫn có thể khôi phục một cách hoàn hảo diện mạo và tinh thần của cổ nhân (Điền Hiểu Phi, 2007:16-17).
8.Vấn đề tính lưu động của văn bản hoàn toàn không hạn chế ở thời đại của văn hóa thủ sao bản, đồng thời không chấm dứt ở đời Tống, khi văn hóa ấn loát ngày càng trở nên phát triển. Một mặt, cho mãi đến hai đời Minh – Thanh, người ta vẫn sao chép thư tịch với một quy mô lớn… Mặt khác, thuật ấn loạt bản khắc của Trung Quốc yêu cầu cần phải sao chép toàn bộ quyển sách, người sao chép và người điêu khắc đều có thể làm thay đổi văn bản một cách hữu ý hay là vô ý. Nhưng cho đến tận ngày nay, tính chất cùng những vấn đề của văn hóa thủ sao bản vẫn còn chưa được chú ý một cách đúng mức (Điền Hiểu Phi, 2007:17).
Bài viết này tổng kết và giới thiệu một số luận điểm lí thuyết của giáo sư Điền Hiểu Phi về văn hóa thủ sao bản, nhằm hướng đến cân nhắc, ứng dụng một số luận điểm và mở rộng khái niệm văn hóa thủ sao bản của giáo sư. Bài viết còn hướng đến đề xuất một số luận đề lí thuyết phục vụ nghiên cứu văn bản Hán Nôm.
3. Một số luận điểm của Điền Hiểu Phi cần suy nghĩ thêm:
Điều lạ là ở luận điểm 7, Điền Hiểu Phi cho biết thuật ấn loát của Trung Quốc yêu cầu phải sao chép lại toàn bộ quyển sách, vậy thì bản chất của văn bản ấn loát cũng chính là những văn bản thủ sao. Điều đó cho thấy, ngay từ đầu, từ thực tế văn bản của Trung Quốc và các nước Đông Á nói chung, việc phân biệt ra bản thủ sao và bản in đã là một điều phi thực tế. Còn từ tác dụng thực tế của những văn bản mà nói, văn bản được ấn loát không khác gì so với những văn bản thủ sao. Bản in cũng chính là thủ sao bản, nhưng là một thủ sao bản được nhân ra nhiều lần. Quá trình phân biệt giữa một bản in và một bản thủ sao là bản in là bản thủ sao được đục khắc lại một lần nữa, bằng cách dán ngược văn bản thủ sao lên tấm ván để “khắc ngược” (công đoạn này sản sinh ra rất nhiều sai dị, dị văn sản sinh với số lượng lớn) để rồi đem công bố những văn bản này bằng cách nhân bản ra nhiều bản. Vấn đề ở đây không phải là nhấn mạnh vào việc khi đem in ván thì những cuốn sách được in ra từ cùng một ván là giống nhau mà phải nhấn mạnh vào quá trình hình thành văn bản không khác gì nhau mấy, thậm chí còn đầy nguy cơ và hồ nghi, không thua gì văn bản thủ sao cả.
Thực tế, tính chất cùng những vấn đề của văn hóa thủ sao bản không khác gì so với tính chất cùng những vấn đề của văn hóa văn bản bình thường và phổ quát (bao gồm cả văn bản ấn loát), ít nhất là xét trong lịch sử văn bản Trung Quốc, Việt Nam. Những văn bản được ấn loát có đầy đủ và trọn vẹn những đặc điểm cơ bản nhất mà Điền Hiểu Phi xác lập cho thủ sao bản. Về cơ bản, cơ chế, nguyên nhân và mục đích tạo ra dị văn ở ấn loát bản cũng như thủ sao bản là giống nhau. Chỉ có điều ở ấn loát bản, dị văn xuất hiện sẽ được gấp lên nhiều lần và tầm ảnh hưởng vì thế cũng rộng hơn rất nhiều thủ sao bản.
Mối quan hệ và cách hành xử của người đọc với một bản khắc cũng không khác gì nhiều so với một bản sao. Người đọc văn bản cũng toàn hoàn chủ động trong việc can thiệp vào nội dung của văn bản. Đối với người đọc mà nói, khi quyển sách vào tay họ, họ sẽ hành xử như nhau đối với nội dung của quyển sách (gạch xóa, tìm cách thay đổi nội dung, bổ sung nội dung) mà không băn khoăn nhiều đến việc đó là sách thủ sao hay sách ấn loát.
Bản thân Điền Hiểu Phi khi phân biệt thủ sao bản với ấn loát bản đã mâu thuẫn khi cố gắng đưa những nghiên cứu văn bản học của mình tiếp cận với những vấn đề về thủ sao bản (manuscripts) đang được quan tâm rộng rãi trong học giới các nước Âu – Mĩ. Có lẽ, bà mong muốn bổ sung cho những nghiên cứu liên quan đến thủ sao bản (manuscripts) của học giới Âu – Mĩ, vốn đang dừng lại ở việc nghiên cứu các thư tịch cổ Hy Lạp – La Mã, Trung Đông và Ấn Độ. Từ góc độ bản chất mà nói, khác với nền văn minh của các nước thuộc hệ ngôn ngữ Ấn – Âu khắc in chữ rời, những văn bản Hán – Nôm, không có sự phân biệt chặt chẽ giữa thủ sao bản và ấn loát bản. Bản thân những văn bản muốn trở thành văn bản ấn loát thì trước tiên chúng đã là những thủ sao bản. Kĩ thuật in ấn của các nước khu vực Đông Á với những ván chữ liền không tạo điều kiện để có sự phân biệt rạch ròi giữa hai loại văn bản phổ biến: ấn loát bản và thủ sao bản, đôi khi, còn xóa nhòa gianh giới giữa chúng.
Những định đề lí thuyết này phần lớn đều có nguồn gốc từ các nghiên cứu về văn hóa thủ sao bản (manuscript culture) của những nhà nghiên cứu Âu – Mĩ. Nhấn mạnh vào sự khác biệt giữa thủ sao bản và ấn loát bản là sản phẩm của sự phân biệt có nguồn gốc từ văn minh xuất bản châu Âu, khi những văn bản chép tay và những văn bản in là khác nhau về nguồn gốc. Với kĩ thuật in của các nước Đông Á đã sử dụng, trước khi là một văn bản định hình trên ván in thì văn bản đó phải trở thành một thủ sao bản đã, điều này có được nhờ công đoạn “tả dạng” cho ván in. Còn sau đó nó lại phải trở thành một văn bản thủ sao bản lần hai qua cách thức khắc ngược của thợ khắc ván. Văn bản in không khác gì văn bản chép tay khi nó cũng có thể bị sửa đổi ngay cả khi đã định hình. Người đọc vẫn sẵn sàng thay đổi nội dung của quyển sách bằng ngòi bút của họ.
Luận điểm 4: Một quyển sách được in ấn thì thì sẽ giống hệt với hàng ngàn quyển sách khác được in bằng cùng một ván in. Song thủ sao bản thì không như vậy. Mỗi một thủ sao bản đều có tính chất độc nhất vô nhị.
Chúng tôi thừa nhận đây là luận điểm rất đúng. Chúng tôi chỉ lưu ý về hệ quả của luận điểm này đó là chúng ta nhiều khi mặc định rằng những văn bản sách được in từ cùng một ván in thì đều giống nhau mà bỏ qua và không cần tiến hành một thao tác đối chiếu chặt chẽ giữa những văn bản cùng một ván in này. Thực tế những ván in sau khi được định hình vẫn có thể bị thay đổi, chỉnh sửa về nội dung trong suốt thời kì tồn tại của nó một cách dễ dàng và với số lượng nhiều không kém gì việc chỉnh sửa trên một văn bản chép tay. Song có điều khác là dấu vết chỉnh sửa trên ván in hầu như không thể nhận ra hoặc không dễ nhận ra thông qua sản phẩm của nó là văn bản in so với những chỉnh sửa trên văn bản chép tay. So về tính chất cố định của văn bản, ván khắc không ổn định được hơn một văn bản chép tay thông thường là mấy. Chúng tôi nhận thấy một số kĩ thuật cho phép nhà in can thiệp tự do vào những ván in để chỉnh sửa mà không để lại dấu vết trên những văn bản được in ra trên chất liệu giấy. Trên bình diện này thì những thư tịch được in ra từ cùng một ván in chưa hẳn đã là giống nhau và nếu chịu khó đối chiếu những thư tịch được in cùng ván, chúng ta có thể thấy được những thay đổi thú vị đã diễn ra trên mặt ván theo thời gian như thế nào.
Luận điểm 5: Ở một chỗ khác bà cho rằng những thư tịch cùng một ván in thì giống hệt nhau, hoạt động ấn loát có thể hạn chế được số lượng dị văn phát sinh, so với đó mỗi bản sao đều là độc nhất vô nhị và đều có khả năng sản sinh ra dị văn. Theo bà như thế thì thủ sao bản có thể làm tăng mạnh số lượng dị văn trong văn bản hơn hẳn so với những văn bản được ấn loát (Điền Hiểu Phi, 2007:8).
Về luận điểm này, liệu hành động ấn loát có thể hạn chế được số lượng dị văn phát sinh, và văn bản ấn loát sẽ không làm tăng số lượng dị văn nhiều như trong những văn bản được chép tay? Thực tế, việc tạo ra nhiều hay ít dị văn hơn hoàn toàn không phụ thuộc vào phương thức định hình văn bản là thủ sao hay ấn loát mà phụ thuộc nhiều hơn vào chủ thể sao khắc và số lần sao khắc văn bản (tương ứng với nó là số lượng các bộ ván in và các bản chép tay). Trong hành vi ấn loát một bản thảo hoàn toàn mới, chủ thể sao khắc đã phải tạo ra ít nhất là hai văn bản mới, một văn bản được tạo ra trong quá trình dùng bút lông “tả dạng” (chép lại) văn bản ở dạng bản thảo, một văn bản khác được tạo ra thông qua việc người thợ khắc khắc ngược trên mặt ván nội dung được “tả dạng” trước đó. Chủ thể sao – khắc văn bản về cơ bản tâm thái, thái độ đối với văn bản là giống nhau; còn số lần sao văn bản và số lần khắc văn bản là điều khó kiểm chứng được nhiều ít hơn nhau như thế nào. Mỗi ván in đều là ván in duy nhất, cũng như mỗi văn bản thủ sao đều là văn bản duy nhất. Khó có thể nói thư tịch cổ được sao chép nhiều hơn hay được khắc in nhiều hơn. Càng khó có thể nói là một lần khắc văn bản sẽ sản sinh ra ít dị văn hơn một lần sao văn bản nếu không muốn nói trong nhiều trường hợp mọi chuyện sẽ diễn tiến theo chiều hướng ngược lại. Đây chính là điểm còn chưa chặt chẽ trong lập luận của giáo sư Điền Hiểu Phi.
Không phải Điền Hiểu Phi không nhận thức ra điều này. Bà viết: “Một phương diện khác, thuật ấn loát bằng các ván khắc của Trung Quốc yêu cầu cần phải chép tay toàn bộ quyển sách và người sao chép và người khắc ván đều có thể vô ý hay hữu ý làm biến đổi văn bản” (Điền Hiểu Phi, 2007:17) vậy tại sao lại kết luận là thủ sao bản có thể làm tăng mạnh số lượng dị văn hơn so với những văn bản được ấn loát, cơ sở của những kết luận này ở đâu? Phải chăng đây là một mâu thuẫn?
Người thợ khắc có thể không “chuyên nghiệp” trong việc phê phán thư tịch bằng những người sao chép thư tịch, bởi người sao chép có thể coi việc sử dụng và khai thác nội dung thư tịch là nghề nghiệp của mình, còn người thợ khắc thì coi nghề nghiệp của mình là búa và đục. Người thợ khắc khắc theo hình ảnh của con chữ, hằn ngược qua lớp giấy mỏng, khả năng tạo ra dị văn là rất lớn. Khả năng tạo ra dị văn theo khuynh hướng “nhầm lẫn” của người thợ khắc cũng cao hơn rất nhiều so với khả năng tạo ra dị văn của những người sao chép. Song, khả năng tạo ra dị văn theo khuynh hướng “truy tìm ý nghĩa đích thực của tác giả nguyên tác phẩm” của người sao chép có thể nhiều hơn so với những người thợ khắc (nhưng cũng chỉ giới hạn vào một thiểu số rất nhỏ những người có học vấn đủ để tiến hành hoạt động phê phán văn bản). Những khả năng trên mà chúng tôi đưa ra đều có tính chất tương đối và là sản phẩm của quá trình lập luận có tính giả thuyết.
4. Một số cơ chế làm nảy sinh dị văn trên các văn bản in – ví dụ từ thực tế văn bản Hán Nôm Việt Nam:
Ở Việt Nam, một trong số các văn bản có nhiều dị bản và có một lịch trình văn bản thuộc loại phức tạp nhất chính là hệ thống sách kinh học Tứ thư, Ngũ kinh đại toàn. Do được in ấn rộng khắp bởi rất nhiều nhà in khác nhau, hệ sách này cơ hồ đã để lại nhiều dị bản và biến thể bậc nhất trong lịch sử thư tịch của người Việt. Trước tiên, các ván in Tứ thư, Ngũ kinh đại toàn khác nhau thì sẽ sản sinh ra những hệ thống văn bản, văn bản Tứ thư Ngũ kinh đại toàn khác nhau. Sự khác biệt giữa các hệ thống văn bản, văn bản này có nguyên nhân từ nhầm lẫn, hiểu nhầm, song cũng có những nguyên nhân từ sự can thiệp có chủ định của những người tổ chức công việc khắc in. Chúng tôi xin đưa ra một số trường hợp phổ biến nhất tạo ra dị văn cho các bản khắc in thông qua những ví dụ là những hệ bản và biến thể của Tứ thư, Ngũ kinh đại toàn được biết đến ở Việt Nam.
a). Trước tiên chúng tôi muốn nói đến trường hợp xuất hiện dị văn giữa các văn bản do hoạt động khắc ván gây ra. Chúng tôi khảo sát 3 bộ hoàn chỉnh của hệ bản Tuân bổ Ngự án Dịch kinh đại toàn (TBNADKĐT) được lưu trữ ở Khoa Sử:
Bộ 1 (TBNADKĐT-1) bao gồm các kí hiệu sách từ H.517 đến H.525.
Bộ 2 (TBNADKĐT-2) gồm các kí hiệu sách đánh số ngược từ H.550 về H.542.
Bộ 3 (TBNADKĐT-3) gồm các kí hiệu sách H.526, H.527, H.528, H.529, H.530, H.532, H.533, H.534 (đánh số bỏ qua H.531).
Thư viện Quốc gia Việt Nam chúng tôi khảo sát:
Bộ 4 (TBNADKĐT-4) gồm các kí hiệu sách: từ R.937 đến R.945.
Bộ 1 và bộ 2 cùng một ván khắc in, vì vậy thực tế trong 4 bộ chỉ có 3 ván in khác nhau nhưng lại có đến 4 văn bản khác nhau. Dị văn xuất hiện rất thường xuyên giữa các văn bản này. Một số ví dụ:
TBNADKĐT–1 |
TBNADKĐT–2 |
TBNADKĐT–3 |
TBNADKĐT–4 |
詩書畧看訓詁解釋文義令通而已却又玩味本文王[其][3] 道理只在本文下面小字儘說如何㑹過得他 (H.517, quyển 1, tr.5b-6a) | 詩書畧看訓詁解釋文義令通而已却又玩味本文王道理只在本文下面小字儘說如何㑹過得他 (H.550, quyển 1, tr.5b-6a) | 詩書畧看訓詁解釋文義令通而已却又玩味本文其道理只在本文下面小字儘說如何㑹過得他 (H526, quyển thủ, tr.2b-3a) | 詩書畧看訓詁解釋文義令通而已却又玩味本文其道理只在本文下面小字儘說如何㑹過得他 (R.937, quyển thủ, tr.2b-3a) |
Trong trường hợp này, người thợ khắc ván dùng để in nhóm văn bản TBNADKĐT-1 và TBNADKĐT-2 đã khắc nhầm hai chữ có tự dạng hao hao giống nhau và đặc biệt dễ bị lẫn với nhau trong trường hợp văn bản chữ in nhỏ, bị mờ và người khắc ván lại chỉ đọc qua văn bản mà không có chuyên môn để nắm được mạch văn của văn bản. Ở hoàn cảnh đó, người khắc ván đã khắc nhầm chữ “kì” 其 thành chữ “vương” 王, từ đó mà dẫn đến việc cú đậu và hiểu nội dung của đoạn văn trên cũng lại khác nhau. Thông thường câu văn trên được viết và cú đậu như sau: 《詩》,《書》畧看訓詁解釋,文義令通而已,却又玩味本文。其道理只在本文,下面小字儘說如何㑹過得他? (Kinh thi và Kinh thư chỉ mới hơi xem huấn hỗ giải thích mà ý nghĩa của câu văn đã thông tỏ ngay vậy, nhưng lại được thể nhận kĩ càng những bài này. Đạo lí của Trình tử chỉ nằm ở trong bài này, những dòng chữ nhỏ nằm ở phía bên dưới của bài viết cũng nói hết được cần phải lĩnh hội điều đó như thế nào). Sau khi bị khắc nhầm, câu văn có thể được ngắt và dịch như sau: 《詩》,《書》畧看訓詁解釋,文義令通而已,却又玩味本。文王道理只在本文,下面小字儘說如何㑹過得他? (Kinh thi và Kinh thư chỉ mới hơi xem huấn hỗ giải thích mà ý nghĩa của câu văn đã thông tỏ ngay vậy, nhưng lại lại thể nhận kĩ càng bài viết, đạo lí của vua Văn Vương chỉ thể hiện ở bài viết này, những dòng chữ nhỏ ở bên dưới đã nói hết được cần phải lĩnh hội điều đó như thế nào …). Về mặt nghĩa thì hai câu văn đã hoàn toàn bị biến chuyển. Trong đầu người khắc có thể đã có một quán tính nào đó khiến khắc nhầm chữ “kì” thành chữ “vương” để trở thành “Văn vương” chứ không phải chữ gì khác khiến câu văn trở nên có nghĩa (dù ngô nghê) cho thấy đây hoàn toàn là một nhầm lẫn có sự can thiệp của phán đoán tri thức.
b). Dị văn giữa các văn bản có thể xuất hiện do việc tị húy. Điều này không chỉ tác động đến những văn bản viết tay mà còn tác động rất sâu sắc đến những ván in, kể cả những ván in đã định hình trước đó. Lựa chọn của những cơ sở in ấn khi buộc phải thể hiện sự tôn trọng quy định tị húy trong các ván in của họ đó là: khắc lại ván in mới theo những quy định tị húy hoặc là đục bỏ một phần hay toàn phần những chữ cần phải tị húy có trên ván in. Với những ván in đã được đình hình trước quy định tị húy của triều đình thì những ấn bản sách được in trước quy định tị húy sẽ khác với những ấn bản sách được in sau khi chỉnh sửa ván in theo quy định tị húy. Kí hiệu sách R.937 của TBNADKĐT–4 xuất hiện nhiều hiện tượng tị húy: tị húy vua Thiệu Trị thông qua việc kính khuyết nhất bút với một số chữ “toàn” 全 và viết thành chữ “toàn” 仝. Tị húy chữ “thực” 實 là tên bà mẹ của vua Gia Long bằng cách đục những chữ “thực” này đi hoặc viết thành “thực” 寔. Việc đục những chữ “thực” xuất hiện ở trang 3b (2 lần),… còn việc viết lại thành “thực” 寔 xuất hiện ở 10a, 10b,.. của kí hiệu sách R.937.
c). Trong nhiều trường hợp, dị văn xuất hiện do hoạt động bổ sung cho nội dung của các văn bản cũ, nhằm hướng đến hoàn thiện, làm cho đầy đủ hơn nội dung của các văn bản này. Hoạt động bổ sung này có thể diễn ra trên một ván in cũ hoặc được khắc mới vào trong một ván in mới. Hệ bản Tuân bổ Ngự án Ngũ kinh đại toàn là một hệ bản tiêu biểu cho trường hợp này[4]. Trong một nghiên cứu gần đây, chúng tôi đã cố gắng chỉ ra những đặc điểm của hệ bản này trong đó đặc biệt nhấn mạnh vào việc hệ bản này đã tích hợp được những thành tựu kinh học đời Thanh vào trong hoạt động lí giải Ngũ kinh đại toàn[5]. Hình thức tích hợp là thông qua quá trình tăng bổ phần Ngự án và đặt phần này nằm ở rìa phía trên đầu của mỗi trang sách (thiên đầu 天頭). Chúng tôi nghiêng về quan điểm cho rằng hệ thống Ngự án này được bổ sung hoàn thiện dần dần trong dân gian chứ không phải là dưới tác động của hoạt động tăng bổ có tính chất quan phương. Chủ thể hành động tăng bổ có khả năng là những nhà in tư nhân muốn in ấn và làm cho hệ bản Đại toàn mà họ đang sở hữu ván in trở nên hoàn thiện đầy đủ, cập nhật và có sức hút nhất với những người đi học, khách hàng quan trọng của họ. Giả thuyết của chúng tôi dựa trên việc hiện vẫn chưa tìm thấy một chính lệnh có tính chất quan phương nào về việc bổ sung thành phần Ngự án cho hệ thống sách Đại toàn. Hơn nữa, hình thức bổ sung Ngự án bằng cách tăng bổ thượng tầng (tăng bổ lên thiên đầu 天頭) của quyển sách cho thấy rằng đây là hoạt động bổ sung ban đầu có tính chất cá nhân, tiện thể. Nhà in muốn tận dụng thượng tầng của trang sách để có thể bổ sung nội dung Ngự án, việc bổ sung này của nhà in sẽ không bắt họ phải chép tay lại toàn bộ Đại toàn để trình bày lại bản in, đồng thời cũng không phải thay đổi cấu trúc của ván in, không phải khắc lại toàn bộ ván in và tận dụng được cả không gian thừa của ván in cũ[6]. Việc chắp vá nội dung theo đường hướng tiết kiệm như thế này khó có thể là chủ trương ở tầm nhà nước được mà nó có thể phù hợp hơn với những nhà in có tính chất tư nhân với yêu cầu tiết kiệm chi phí.
Mặt khác, chúng tôi nhận thấy nội dung của những phần Ngự án này không ngừng được gia tăng khi khảo sát quá trình truyền bản của chúng.
TBNADKĐT–1 |
TBNADKĐT–2 |
TBNADKĐT–3 |
TBNADKĐT–4 |
案: 鄭注大戴禮是確證,至子華子則位置雖眀,但錯以洛書為河圖,故朱子疑其非古書。 (Chu tử đồ thuyết, H.517) | 案: 鄭注大戴禮是確證,至子華子則位置雖眀,但錯以洛書為河圖,故朱子疑其非古書。 (Chu tử đồ thuyết, H.550) |
Không |
Không |
御案吴氏蒋氏兩說不同而皆可通。 (quyển 1, Quẻ càn, Càn sơ cửu tiết 乾初九節, H.517) | 御案吴氏蒋氏兩說不同而皆可通。 (quyển 1, Quẻ càn, Càn sơ cửu tiết 乾初九節, H.550) |
Không |
Không |
御案:此不可爲首與不可爲典要,語氣[7]相似,非戒辭也。若[8]言恐用剛之太過,不可為先,則天徳兩字,是至純至粹,無以復加之穪,非若剛柔仁義,倚於一偏者之謂,尚恐其用之太過,而不可為先則非所以爲天徳矣。程子嘗曰:動静無端,陰陽無始,蓋即不可為首之義,如所謂不可端倪,不可方物,亦此意也。(quyển 1, Quẻ càn, Càn tượng dụng cửu 乾象用九, H.517) | 御案:此不可爲首與不可爲典要,語氣相似,非戒辭也。若言恐用剛之太過,不可為先,則天徳兩字,是至純至粹,無以復加之穪,非若剛柔仁義,倚於一偏者之謂,尚恐其用之太過,而不可為先則非所以爲天徳矣。程子嘗曰:動静無端,陰陽無始,蓋即不可為首之義,如所謂不可端倪,不可方物,亦此意也。(quyển 1, Quẻ càn, Càn tượng dụng cửu 乾象用九, H.550) | 御案:此不可爲首與不可爲典要,語氣 相似,非戒辭也。若 言恐用剛之太過,不可為先,則天徳兩字,是至純至粹,無以復加之穪,非若剛柔仁義,倚於一偏者之謂,尚恐其用之太過,而不可為先則非所以爲天徳矣。程子嘗曰:動静無端 (quyển 1, H.527, trang 21a-b) | 御案:此不可爲首與不可爲典要,語氣相似,非戒辭也。若言恐用剛之太過,不可為先,則天徳兩字,是至純至粹,無以復加之穪,非若剛柔仁義,倚於一偏者之謂,尚恐其用之太過,而不可為先則非所以爲天徳矣。程子嘗曰:動静無端 (quyển 1, R.938, trang 21a-b) |
Chỉ qua những ví dụ trên có thể thấy bản thân hệ thống “ngự án” đã có nhiều xuất nhập. Dòng văn bản 9 quyển (bộ 1, bộ 2) và dòng văn bản chia 20 quyển (bộ 3, bộ 4) của Tuân bổ Ngự án Dịch kinh đại toàn là có khác nhau. Bổ chú của hệ thống 9 quyển đầy đủ hơn hệ thống 20 quyển.
Chủ thể đứng ra bổ sung liên tục này là ai nếu không phải là những nhà in bổ sung trực tiếp lên ván in của họ làm cho nội dung sách của họ trở nên phong phú và đầy đủ hơn? Phải chăng khởi phát ý tưởng ban đầu về Tuân bổ ngự án Ngũ kinh đại toàn cũng bắt đầu từ những bổ chú viết tay xuất hiện một cách tự phát trên “thiên đầu” của quyển sách? Hơn nữa việc tuân bổ Ngự án ở đây là rất đáng ngờ. Theo nguyên tắc, tuân Bổ ngự án Chu Dịch đại toàn sẽ phải bổ sung một cách tiết gọn một số nội dung của Ngự toản Chu dịch chiết trung 御纂周易折中. Tuân bổ Ngự án Xuân thu đại toàn bổ sung một cách tiết gọn một số nội dung của Ngự định Xuân Thu truyện thuyết vựng toản 欽定春秋傳說彙纂. Tuân bổ Ngự án Thư Kinh đại toàn bổ sung một cách tiết gọn một số nội dung của Ngự Định Thư kinh truyện thuyết vựng toản 欽定書經傳說彙纂, Tuân bổ Ngự án Thi kinh đại toàn bổ sung một số nội dung của Ngự định Thi kinh truyện thuyết vựng toản. Song chúng tôi nhận thấy nội dung của một số sách khác cũng mượn danh Ngự án để chen chân vào trong hệ thống Tuân bổ Ngự án Ngũ kinh đại toàn. Điều này cho thấy phần Ngự án là thành tố khó kiểm soát về mặt nội dung và cũng không ai đặt thành vấn đề kiểm soát chúng bởi nhà in mới chính là những người toàn quyền trong việc thêm hay bớt những chú giải bổ sung này. Dị văn giữa các hệ bản Tuân bổ Ngự án đại toàn liên tục phát sinh với quy mô rộng là vì vậy.
d). Dị văn xuất hiện do ngay trên một ván in thông qua quá trình chỉnh sửa trên ván in.
Tuân bổ Ngự án Xuân thu đại toàn (TBNAXTĐT-1) bắt đầu từ kí hiệu sách: H.730, thư viện Khoa Sử.
Tuân bổ Ngự án Xuân thu đại toàn (TBNAXTĐT-2) bắt đầu từ kí hiệu sách: H.734, thư viện Khoa Sử.
TBNAXTĐT-1 và TBNAXTĐT-2 là hai bộ sách cùng một ván in. Trong quá trình đối chiếu hai bộ sách chúng tôi nhận thấy có nhiều xô lệch giữa hai bộ sách cùng ván in này. Ví dụ: sách H.730 của bộ TBNAXTĐT-1 và sách H.743 bộ TBNAXTĐT-2 của thư viện Khoa Sử tuy được in cùng một ván in nhưng chúng tôi nhận thấy có những khác biệt văn bản rất rõ ràng[9]:
TBNAXTĐT-1 |
TBNAXTĐT-2 |
漢元年,冬十月,五星聚東井,當是建申之月。劉攽曰:按厯太白辰星去日率不過一兩次,今十月而從嵗[][10]於東馬,無是理也。然則五星以秦之十月,聚東井耳。秦之十月今七月,日當在鶉尾,故太白辰星得從歲星也。按此足明記事之文皆是追改,惟此一事失於追改,遂以秦之十月為漢之十月耳。夫以七月誤為十月,正足以為秦人改月之証。胡氏失之。 (quyển 1, H.730, trang 7b-8a) | 漢元年,冬十月,五星聚東井,當是建申之月。劉攽曰:按厯太白辰星去日率不過一兩次,今十月而從嵗星於東井,無是理也。然則五星以秦之十月,聚東井耳。秦之十月今七月,日當在鶉尾,故太白辰星得從歲星也。按此足明記事之文皆是追改,惟此一事失於追改,遂以秦之十月為漢之十月耳。夫以七月誤為十月,正足以為秦人改月之証。胡氏失之。 (quyển 1, H.734, trang 7b-8a). |
|
|
Hình 1: Hai văn bản: H.730 của bộ sách TBNAXTĐT-1 và H.734 của bộ sách TBNAXTĐT-2 là cùng một ván in nhưng nội dung có nhiều khác biệt. |
Chúng tôi cảm thấy rất băn khoăn về kĩ thuật nào đã cho phép người thợ khắc có thể can thiệp vào ván in để khắc lại những chữ mà anh ta cho rằng không đúng mà không phải thay toàn bộ ván in và trải qua một loạt những công đoạn mất thời gian, phức tạp của quá trình in lại ván? Quyển sách của Từ Ức Nông 徐忆农 (徐忆农, 2006) cũng như những ghi chép của Henri Oger thì lại sơ lược và không nói gì về kĩ thuật chỉnh sửa ván in kiểu này.
Qua quá trình thực địa một số cơ sở in Phật giáo, chúng tôi đã có những hình dung nhất định về việc các nhà in đã sử dụng kĩ thuật gì để chỉnh sửa ván in mà không lưu lại những vết tích lộ liễu trên bề mặt của trang sách đã được in ra. Chúng tôi nhận thấy người thợ khắc khi muốn chỉnh sửa ván in chỉ cần khoét hay cắt bỏ vị trí muốn chỉnh sửa và thêm vào vị trí đó những miếng vá mang nội dung đã được khắc lại. Chúng tôi gọi những ván in đó là “điền bản” 填版[11]. Một số dấu vết hiện còn lưu lại trên các ván khắc in cho thấy kĩ thuật này đã được sử dụng để can thiệp vào ván in như thế nào: một số ván in được điền bản thông qua khoét vị trí muốn chỉnh sửa (thông thường nằm ở giữa ván in) hoặc cắt bỏ vị trí muốn chỉnh sửa (thông thường nằm ở rìa ngoài của các ván in) và thêm vào đó những miếng vá phù hợp. Phần nằm ở rìa ngoài của các ván in có thể được làm thành những miếng ghép có “mộng” để miếng vá được gắn vào ván in được chặt chẽ hơn.
|
|
Hình 2: Những ván in có dấu hiệu sử dụng phương pháp điền bản để can thiệp và chỉnh sửa nội dung của thư tịch. Ảnh chụp kho ván kinh Phật chùa Bổ Đà, thôn Thượng Lát, xã Tiên Sơn, huyện Việt Yên (Bắc Giang) tháng 4 năm 2011. |
Quá trình thay đổi và chỉnh sửa ván in này đem đến cho chúng ta sự xác tín rằng: bản thân những ván in cũng không ổn định về mặt văn bản hơn những văn bản thủ sao là mấy. Có bao nhiêu ván in là có từng ấy văn bản khác nhau. Sự sai khác trên văn bản in còn nghiêm trọng hơn trên văn bản chép tay vì công đoạn in ấn bản thân nó đã bao gồm công đoạn chép tay và khắc in theo chiều ngược bản chép tay ấy lên một tấm ván. Văn bản chép tay chỉ qua một lần khúc xạ, nhưng văn bản khắc in thì trải qua ít nhất là hai lần khúc xạ: lần khúc xạ của người chuyên viết thư pháp trên giấy mỏng và lần khúc xạ của thợ khắc, khắc ngược văn bản trên tấm ván in…
e). Dị văn xuất hiện do cả những nguyên nhân không rõ hoặc có thể là do nhầm lẫn.
Hai bộ TBNAXTĐT-1 và TBNAXTĐT-2 của thư viện khoa Sử là cùng một ván in, điều này chúng tôi đã nhắc đến ở những phần trước. Điều đáng chú ý nữa của hai bộ này đó là ở hai bài tựa ở quyển đầu tiên của mỗi bộ (H.730 và H.734) có nhan đề là: “Ngự chế Xuân thu tự” 御製春秋序. Bài tựa này vốn là của vua Khang Hi nhà Thanh viết vào ngày mùng 1 tháng 6 mùa hè năm Khang Hi thứ 60 (1721) 康熈六十年 (1721) 夏六月朔. Nhưng trong hai văn bản H.730 và H.734 thì dòng niên đại đã bị sửa thành ngày mùng 1 tháng 6 năm Nhâm Ngọ niên hiệu Đạo Quang 道光壬午年夏六月朔 tức năm 1822. Như vậy, chỉnh sửa này đã thay đổi tác giả của bài tựa từ Khang Hi thành Đạo Quang và làm muộn niên đại của bài tựa đi khoảng 100 năm? Thật kì lạ! Thông thường người ta “làm giả” văn bản là để nhằm mục đích làm văn bản có niên đại sớm hơn, và nhằm hướng đến thỏa mãn một thú vui sùng cổ, nhưng việc chỉnh sửa niên đại của bài tựa này lại làm niên đại của văn bản muộn đi gần đúng 100 năm. Vậy chủ đích của việc chỉnh sửa ngược đời ở đây là gì? Liệu đây có phải là một nhầm lẫn, một nhầm lẫn vô tình và cũng vô tình không kém là nhầm lần gần đúng 100 năm? Đây là câu hỏi mà chúng tôi chưa có lời giải đáp thỏa đáng.
Từ những phân tích trên đây về những nguyên nhân phát sinh dị văn trên hệ thống văn bản in, có thể đưa ra kết luận rằng: hệ thống văn bản in không có tính chất ổn định như chúng ta vẫn thường nghĩ, hoạt động ấn loát không thể hạn chế được phát sinh dị văn hơn so với hoạt động thủ sao văn bản. Thực tế cho thấy hoạt động ấn loát còn có thể sản sinh dị văn đa dạng, phức tạp và thậm chí là khó nhận biết hơn rất nhiều so với hoạt động chép tay văn bản. Chúng ta đồng thời cũng phải cảnh giác với cả những dị văn xuất hiện giữa những văn bản tưởng chừng là cùng một ván in mà ra. Tác động xã hội của dị văn xuất hiện trên các văn bản được ấn loát rộng và quy mô hơn rất nhiều so với những văn bản chép tay, về điều này thì chúng tôi cũng hoàn toàn đồng ý với Susan Cherniack[12].
7. Kết luận
Theo chúng tôi, trong điều kiện lưu truyền văn bản của Trung Quốc và Việt Nam, việc phân tách để xem xét một cách riêng rẽ văn hóa thủ sao bản và văn hóa ấn loát bản là không cần thiết dù với mục đích gì. Thực tế những đặc điểm được Điền Hiểu Phi xác lập cho văn hóa thủ sao bản đều có thể là những đặc điểm của văn hóa ấn loát bản hay rộng hơn là văn hóa văn bản của Trung Quốc và Việt Nam nói chung. Đặt trong mối quan hệ giữa văn bản và người sao – khắc mà nói, thì số lượng dị văn của bản khắc và số lượng dị văn của bản thủ sao không thể xác định thua kém nhau hay không, nhưng nhất định hệ quả và ảnh hưởng của dị văn trong các văn bản khắc in phức tạp, có bề rộng và đa dạng hơn rất nhiều so với văn bản thủ sao.
Khi viết về Đào Uyên Minh và văn hóa của các văn bản chép tay có nguồn gốc phương Đông, Điền Hiểu Phi đã đặt mình vào trong hệ thống những vấn đề nghiên cứu của phương Tây và nhóm các hệ thống thuật ngữ khái niệm của phương Tây. Bà đã khái quát hình dung về nền văn hóa đó dưới cái tên là Văn hóa thủ sao bản. Thực ra Điền Hiểu Phi không có những sáng tạo lớn về mặt lí thuyết, khi hầu hết hệ thống khái niệm và ý tưởng được bà sử dụng đã được những người trước đó nói đến. Cống hiến của Điền Hiểu Phi là ở chỗ bà đã sử dụng hệ thống lí thuyết công cụ đó để giải quyết trường hợp cụ thể là Đào Uyên Minh. Nhiều khi lập luận của bà bị hệ hình lí thuyết trói buộc, dẫn đến chưa đầy đủ hay chưa chặt chẽ trong các nhận định, đặc biệt là nhận định về vai trò của hệ thống văn bản khắc in. Văn hóa thủ sao bản (manuscript culture), dĩ nhiên, cũng không phải là khái niệm của Điền Hiểu Phi đưa ra. Nó được sử dụng để khái quát về đặc trưng của văn hóa văn bản của một số nước châu Âu, nơi thông thường chỉ có những bản thủ sao là có thể sản sinh dị văn dị nghĩa, còn trong những văn bản được in ấn, kĩ thuật in chữ rời đã hạn chế một cách kĩ càng nhất khả năng sản sinh ra dị văn, thông thường dị văn nếu xuất hiện cũng sẽ ở dưới dạng lỗi chính tả dễ nhận biết. Đồng thời, quan niệm về quyền tác giả cũng sớm nảy sinh ở những nước này hơn so với các quốc gia khu vực Đông Á. Văn hóa quyền tác giả và quyền tác phẩm cũng manh mún từ rất sớm và phát triển rộng rãi ở các nước này. Nó được phát ngôn và được thừa nhận. Còn ở những nền văn hóa như Trung Quốc và Việt Nam mà nói, hầu như không đặt thành vấn đề loại này.
Còn thực tế văn bản Việt Nam mà nói, các loại văn bản, kể cả hệ thống văn bản tưởng chừng là khó xuất hiện dị văn dị nghĩa nhất như văn bản khắc in thì dị văn cũng luôn sẵn sàng xuất hiện với tần suất cao, đa dạng và phong phú. Thực tế của các văn bản khắc in Tứ thư Ngũ kinh tiết yếu là một ví dụ. Những thuộc tính được khái quát cho văn hóa thủ sao bản như: sự biến mất của nguyên bản và nguyên tác giả, người sao chép đồng thời cũng là một loại độc giả, một chủ thể tái sáng tạo đặc thù, tính lưu động và tính không ổn định của văn bản,… đều có thể nhận thấy trên những loại hình văn bản khác không phải là văn bản chép tay. Thậm chí chúng tôi còn nhận thấy khả năng nhìn nhận chúng như một dạng thức tiêu biểu cho văn hóa văn bản của những nước như Việt Nam, Trung Quốc nói chung chứ không chỉ giới hạn trong một phạm vi nhỏ hẹp của văn hóa thủ sao Trung Quốc. Vì vậy, thông qua việc cân nhắc lại một số luận điển của Điền Hiểu Phi, chúng tôi đề xuất việc mở rộng khái niệm văn hóa thủ sao bản (manuscripts culture) thành văn hóa văn bản cổ đại (antique textual culture) nói chung.
Đông Anh tệ xá, 03/05/2011.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Robert Ashmore (2009), “Tao Yuanming and Manuscript Culture: The Record of a Dusty Table (review)”, Harvard Journal of Asiatic Studies, Vol. 69 No. 1, pp. 182-192.
Cynthia L. Chennault (2007), “Tao Yuanming and Manuscript Culture: The Record of a Dusty Table. By Xiaofei Tian. Seattle: University of Washington Press, 2005. 328 pp. $60.00 (cloth)”, The Journal of Asian Studies, Vol. 66 No. 03, pp. 838-839.
Xiaofei Tian (2005), Tao Yuanming & manuscript culture : the record of a dusty table, Seattle: University of Washington Press.
徐忆农 (2006), 中国古代印刷图志, 江苏: 广陵书社.
柯欢欢 (2009), “浅评中文版《尘几录——陶渊明与手抄本文化研究》”, 今日南国(理论创新版) Vol. 142 No. 12, pp. 107-108.
田晋芳 (2010), “求真,还是解构后的肆意涂抹?——再论《尘几录—陶渊明与手抄本文化研究》的几个问题 “, 九江学院学报(哲学社会科学版), No. 04, pp. 8-11.
田晓菲 (2007), 尘几录: 陶渊明与手抄本文化研究, 北京: 中华书局.
陈庆 (2010), “手抄本的迷雾 开创性的视角——读田晓菲《尘几录——陶渊明与手抄本文化研究》”, 编辑之友, No. 04, pp. 73-74.
[1] Ý tưởng này xuất phát từ câu nói của các nhà hiệu đính cổ tịch đời Tống: Tống Viện: “hiệu khám sách như là quét bụi, quét đi quét lại càng thấy sinh ra bụi” 宋代藏书家宋绶的“校书如拂尘,旋拂旋生”
[2] Quyển sách xuất bản lần đầu bằng tiếng Anh: Xiaofei Tian (2005), Tao Yuanming & manuscript culture : the record of a dusty table, Seattle: University of Washington Press. Sau đó quyển sách được chính tác giả chuyển dịch sang tiếng Trung (ngôn ngữ mẹ đẻ) và xuất bản ở Đại lục.
[3] Trong bản này, người đọc văn bản đã dùng bút mực đen tự ý sửa chữ “vương” 王 thành chữ “kì” 其. Cực kì khó nhận ra chữ trước khi bị sửa là chữ vương nếu không có bản 2 là một bản cùng ván in để mà đối chiếu. Như vậy về nguyên tắc đây vẫn là hai bản sách thuộc cùng một ván in, nhưng nội dung đã khác nhau vì có sự can thiệp trực tiếp vào văn bản có dẫn đến biến dạng văn bản của người đọc.
[4] Về các hệ bản của Tứ thư Ngũ kinh đại toàn ở Việt Nam xin tham khảo Nguyễn Phúc Anh, Từ việc khảo sát các hệ bản Tứ thư ngũ kinh đại toàn bàn về vai trò của hệ thống đại toàn trong khoa cử truyền thống.
[5] Nguyễn Phúc Anh, Từ việc khảo sát các hệ bản Tứ thư ngũ kinh đại toàn bàn về vai trò của hệ thống đại toàn trong khoa cử truyền thống.
[6] Theo những nghiên cứu của Từ Ức Nông 徐忆农, Trung Quốc cổ đại ấn loát đồ chí 中国古代印刷图志, Quảng lăng thư xã 广陵书社, 2006, tr.95-98 cho thấy nhà in phải trải qua rất nhiều công đoạn trong quá trình đem khắc ván một quyển sách. Trong đó công đoạn mất thời gian nhất đó là công đoạn thuê người khéo léo về mặt thư pháp, thể hiện nội dung của quyển sách lên trên những tờ giấy mỏng rồi sau đó dán úp mặt chữ xuôi của tờ giấy mỏng đó lên bề mặt ván gỗ đã được chuẩn bị trước rồi dùng dao đục đặc biệt để đục khắc theo những đường nét của con chữ ngược ở mặt sau của tờ giấy lên trên mặt ván gỗ. Vì vậy, thực tế khi đã định hình thành ván, các nhà in rất ngại thay đổi lại cấu trúc của thư tịch bởi sự thay đổi này có thể dẫn đến hệ quả là nhà in phải chép lại toàn bộ văn bản và khắc lại toàn bộ ván in và tiến hành thêm một loạt các công đoạn mất thời gian khác. Họ sẽ lựa chọn giải pháp khắc bổ sung lên phía trên của “thiên đầu” chứ không chen nội dung vào giữa các dòng sách để tránh phá vỡ cấu trúc của quyển sách, tránh phải thay toàn bộ kho ván dùng để in sách.
[7] Nguyên văn trong Ngự toản Chu Dịch chiết trung, quyển 11 ghi là thế 勢 chứ không phải là khí 氣.
[8] Nguyên văn Ngự toản Chu Dịch chiết trung, quyển 11 không có chữ “nhược” 若.
[9] Nội dung tuân bổ này không lấy từ Xuân Thu truyện thuyết vựng toản mà lấy từ Ngũ lễ thông khảo 五禮通考卷一百九十八刑部尚書秦蕙田撰 hoặc三正考卷一工部主事呉鼐撰
[10] Khuyết văn trong nguyên bản.
[11] Xin cảm ơn cô Kim Anh, Viện Nghiên cứu Hán Nôm đã một lần gợi ý cho chúng tôi về thuật ngữ này trong một trao đổi ngắn gọn bên lề Hội thảo kỉ niệm 1000 năm ngày sinh của đại sư Khuông Việt tổ chức ở Sóc Sơn đầu năm 2011.
[12] Book Culture and Textual Transmission in Sung China, p.73.