TỔNG QUAN NHỮNG NỘI DUNG CẦN TRAO ĐỔI
Giáo sư Liam Kelley gần đây có một số bài viết về Kim Định: The exchange of women (Trao đổi Đàn bà) in obscure history (huyền sử), Large (Chinese) Rats, the Father of Modern Anthropology, and Vietnam’s Greatest (Unknown/Unrecognized) Historian, Vietnam’s Greatest (unknown/unrecognized) Historian và có bàn về Kim Định khi trả lời phỏng vấn Tạp chí Da màu. Trong những bài viết và phần phỏng vấn này, giáo sư có đề cập đến ba vấn đề khiến tôi cảm thấy thích thú.
Thứ nhất, giáo sư cho rằng Claude Lévi-Strauss, cha đẻ của nhân loại học hiện đại là một nhà nhân loại học tồi vì Levis-Strauss trong suốt sự nghiệp nghiên cứu của mình chỉ dành vài tháng ở Brazil, đi lại qua loa, thăm thú vài cộng đồng, đôi khi dừng lại ở một cộng đồng trong vài ngày và không dùng tốt ngôn ngữ bản địa. Field notes (ghi chú thực địa) của Lévi-Strauss cũng được viết sau đó nhiều năm. Nói cách khác, Claude Lévi-Strauss là nhà nhân loại học tồi vì ông không làm tốt “dân tộc chí” (ethnography). Nhưng tại sao Lévi-Strauss vẫn trở thành cha đẻ của Nhân loại học hiện đại? Giáo sư Kelley giải thích: đó là vì ông có ý tưởng, thứ dựa trên hiểu biết rộng về xã hội con người và triết học thu lượm thông qua quá trình đọc sách hơn là qua nghiên cứu nhân loại học ở thực địa, và từ đó, ông tạo ra những lí thuyết về xã hội con người. Ông buộc những nhà nhân loại học sau này phải suy nghĩ về những điều ông đã viết, để thử nghiệm những ý tưởng của ông, etc. Và vì thế, thúc đẩy sự phát triển của nhân loại học. Về vấn đề này, chúng tôi từ lịch sử phát triển của nhân loại học và dân tộc chí, sẽ chứng minh rằng Claude Lévi-Strauss không phải là nhân loại học tồi.
Thứ hai, Kim Định đã xây dựng diễn giải hoặc được khơi gợi cảm hứng để xây dựng những diễn giải của mình trên cơ sở cấu trúc luận Lévi-Strauss, cùng lí thuyết của Marcel Granet, Ferdinand de Saussure, etc. Vấn đề này, chúng tôi cho rằng ảnh hưởng của Marcel Granet, Ferdinand de Saussure ở cuối thập kỉ 60s đầu thập kỉ 70s của thế kỉ XX đối với Kim Định (nếu có) là hoàn toàn bình thường vì nhiều thành tựu của chúng đã trở thành những kiến thức chung của khoa học xã hội (Saussure) hoặc không quá đặc sắc và nổi bật (Marcel Granet). Hơn nữa khác với Lévi-Strauss, Kim Định không triển khai và phân tích lí thuyết của họ như là nền tảng cho trước tác của ông. Về Lévi-Strauss thì phức tạp hơn. Chúng tôi sẽ chỉ ra “ảnh hưởng” cấu trúc luận của Lévi-Strauss đối với Kim Định rất hời hợt, diễn giải của Kim Định trong Cơ cấu Việt Nho và Tinh hoa ngũ điển thậm chí đi ngược lại hoàn toàn với phương pháp của cấu trúc luận.
Thứ ba, Kim Định trở thành nhà sử học lớn vì không ai đã từng có được một góc nhìn liên ngành với những đối thoại ở tầm quốc tế như ông trong phạm vi nghiên cứu lịch sử Việt Nam. Kim Định giống Lévi-Strauss ở cách thức hình thành những ý tưởng nhưng không ai thách thức ý tưởng của Kim Định giống như nhiều người từng thách thức ý tưởng của Lévi-Strauss. Những diễn giải này và việc phê phán những lí giải của ông có thể thúc đẩy được học thuật tiến lên nếu khi ấy ở Việt Nam có những học giả ngang tầm tri thức của Kim Định và có một nền văn hóa học thuật thích phản biện ý tưởng và tiến lên phía trước. Về vấn đề này, chúng tôi sẽ phân tích những phân tích của Kim Định (lấy ví dụ là quyển Tinh hoa Ngũ điển) để chỉ ra rằng tại sao trước tác của Kim Định và cả những môn đệ chịu ảnh hưởng của ông trở nên “khó đối thoại đến vậy” và nhiều điểm “không thể đối thoại”.
Về vấn đề thứ nhất, nhìn từ lịch sử của nhân loại học, tôi cho rằng Lévi-Strauss không phải là một nhà nhân loại học “tồi”.
Vai trò của dân tộc chí (ethnography) và thực hành nghiên cứu dân tộc chí đối với nhân loại học (anthropology) rất khác nhau tùy theo giai đoạn phát triển của nhân loại học. Trong những giai đoạn đầu, nhiều nhà nghiên cứu được coi là cha đẻ của nhân loại học hiện đại đều KHÔNG cho rằng việc phải trực tiếp tham gia hoạt động điền dã và thực hành dân tộc chí là yếu tố sống còn của nghiên cứu nhân loại học. Điều này đúng với Lévi-Strauss, James Frazer, E. B. Tylor, Henry Lewis Morgan (hầu như không làm fieldwork mà chỉ dựa vào tài liệu lưu trữ), Marcel Mauss (chưa bao giờ làm fieldwork nhưng có những đóng góp to lớn trong việc xây dựng phương pháp luận cho dân tộc chí).
Mỗi nhà nhân loại học này đều có những lí do và quan điểm khác nhau về vai trò của dân tộc chí trong nghiên cứu nhân loại học. Ví dụ như Marcel Mauss, ông cho rằng có ba cấp độ nghiên cứu về một social organism (sinh thể xã hội?), trong đó cấp độ thứ nhất là dân tộc chí (ethnography), thứ hai là dân tộc học (ethnology), và thứ ba là “nhân loại học” (anthropology). Ông hiểu “nhân loại học” như là một nỗ lực lí thuyết trên bình diện triết học nhằm khái quát hóa về thế nào là “nhân tính” (humanity) và xã hội con người. Vì thế, định vị bản thân như là nhà nhân loại học, ông sử dụng những tư liệu của dân tộc chí, dân tộc học để làm chất liệu cho tư duy nhân loại học chứ không trực tiếp làm điền dã.
Franz Boas là một trường hợp thú vị khác. Ngay cả khi được coi là một nhà nhân loại học đi thực địa rất nhiều ông cũng không làm thực địa như cách chúng ta vẫn hình dung về thực địa nhân loại học bây giờ (dành thời gian lâu dài, học sâu về ngôn ngữ và văn hóa bản địa, nghiên cứu tham dự, duy trì những cam kết, dành sự quan tâm hào phóng, làm sâu sắc các mối quan hệ với cộng đồng). Ông dành khoảng 1 năm để nghiên cứu người Inuit ở đảo Baffin. Đây là lần thực địa dài hơi nhất trong sự nghiệp của ông. Từ năm 1886 đến năm 1900 ông làm 12 chuyến thực địa với hàng loạt cộng đồng người trải dài từ Alaska – Canada – Washington – Oregon với tổng thời gian thực địa vẻn vẹn có 29 tháng. Trong trường hợp không sử dụng được ngôn ngữ bản địa, ông làm nghiên cứu với sự giúp đỡ phiên dịch của trợ lý hoặc một số người dân địa phương (Barnard and Spencer 2002, 109-111. Xem ở ĐÂY). Và dĩ nhiên lựa chọn đó là phù hợp với quan điểm của ông về nghiên cứu nhân loại học: chú trọng tìm cấu trúc chung của những vùng văn hóa (culture areas) thông qua thu thập và đối sánh càng nhiều càng tốt những dữ liệu dân tộc chí về ngôn ngữ và văn hóa của các cộng đồng cấu thành vùng văn hóa đấy.
Lévi-Strauss cũng có lí do để trở thành một nhà nghiên cứu không trực tiếp đi điền dã xuất phát từ quan điểm của ông về nghiên cứu nhân loại học. Ông cho rằng ý niệm của chúng ta về thế giới cùng những hành xử của chúng ta trong xã hội được hình thành từ những cấu trúc tiềm ẩn mang tính phổ quát và việc làm nghiên cứu nhân loại học là để phát lộ những cấu trúc tiềm ẩn mang tính phổ quát ấy. Cấu trúc ở đây là để chỉ cấu trúc xã hội (social structure). Con đường để phát lộ cấu trúc tiềm ẩn phổ quát đương nhiên phải thông qua việc phân tích đối sánh thông tin (với Lévi-Strauss, chủ yếu thông qua ngôn ngữ) tìm được từ nhiều nền văn hóa, nhiều nhóm cộng đồng nhất có thể, và vì thế việc điền dã ở một nhóm cộng đồng trong nhiều năm là công việc không giúp được nhiều cho lí tưởng và quan điểm của ông về thực hành nhân loại học. Cấu trúc luận của ông không có ảnh hưởng mạnh trong giới học thuật Anh ngữ mà chủ yếu được kế thừa và phê phán trong giới học thuật Pháp ngữ (với hậu cấu trúc luận của Michel Foucault và giải cấu trúc luận của Jacques Derrida).
Việc nhấn mạnh vào vai trò của điền dã và đặc biệt với phương pháp nghiên cứu tham dự của điền dã dân tộc học đối với nghiên cứu nhân loại học bắt đầu với vai trò của Bronisław Malinowski. Thuyết chức năng của Malinowski cùng thế mạnh của việc phân tích “sinh thể xã hội” dựa trên quá trình điền dã và nghiên cứu tham dự trong thời gian dài đối với cộng đồng, xã hội đó trở thành main stream trong giới học thuật Anh ngữ cho đến tận ngày nay. Điều này có một hệ quả nho nhỏ không mong muốn. Nhiều nhân loại học các giai đoạn sau này, do quá tin tưởng vai trò thần thánh của dân tộc chí cùng phương pháp nghiên cứu tham dự đối với nhân loại học và thiếu thông cảm với những nhà nhân loại học thời kì đầu, thường gán cho những nhà nhân học như Lévi-Strauss danh hiệu nhà nhân loại học “ghế bành” (armchair anthropologist).
Sau này vai trò của dân tộc chí đối với nghiên cứu nhân loại học và vấn đề nên làm dân tộc chí như thế nào cũng bị đặt lên đặt xuống rất nhiều lần cho thấy trong giới nghiên cứu nhân loại học hiện nay chưa có sự thống nhất về vai trò của dân tộc chí với nhân loại học. Tôi không đủ khả năng điểm hết ra đây. Nhưng căn cứ theo theo dõi của tôi, tôi thấy sự kiện gần nhất là cuộc tranh luận nổ ra cách đây… mấy ngày (May 11, 2016) giữa Joana Cook và Tim Ingold. Tim Ingold chứng minh rằng về mặt mục tiêu và phương pháp, nhân loại học và dân tộc chí chả liên quan gì đến nhau cả. Vì thế nhân loại học nên duy trì sự độc lập tương đối với dân tộc chí (chứ không phủ định vai trò của dân tộc chí như một nguồn tư liệu quan trọng của nhân loại học). Xem ở ĐÂY, và ở ĐÂY. Joanna Cook tranh luận lại nhưng hầu như chỉ khẳng định được là dân tộc chí như một nguồn tư liệu quan trọng, chứ chưa thực sự bẻ gãy được logic của Tim Ingold (Cook 2016). Và mọi chuyện còn tiếp diễn….
Như vậy kết luận của tôi là Lévi-Strauss không phải là nhà nhân loại học tồi. Xin mượn mấy dòng này của trong quyển sách được dẫn bởi giáo sư Kelley: Claude Levi-Strauss: The Father of Modern Anthropology or Claude Levi-Strauss : the poet in the laboratory (?) (xem ở ĐÂY, phần mềm đọc epub ở ĐÂY) thay cho lời kết luận về phần viết này: “Much has been made of the brevity of his contact time, but as the French anthropologist Alban Bensa wryly remarked, “Anthropologists can spend ten years in the field and end up with nothing interesting to say.” In contrast, Lévi-Strauss was “a good observer, and more importantly an intelligent analyzer of his own observations.”
Do vướng bận tập trung viết và hoàn thiện luận án, tôi chỉ dành được một quỹ thời gian có hạn để viết mỗi tối chủ nhật hàng tuần. Về hai vấn đề thảo luận tiếp theo, tôi xin phép sẽ lần lượt đưa lên trong thời gian một vài tháng tới.
2 Comments